Khi “bạo hành đội lốt yêu thương”

GD&TĐ - Hiện tượng bạo hành trẻ em hiện nay không còn là chuyện hiếm, đặc biệt thời gian gần đây, có những vụ bạo hành trẻ ở mức nghiêm trọng đã gây chấn động và bức xúc lớn trong dư luận. Nguyên nhân của hành dộng này được hầu hết các đương sự lý giải là vì thương yêu, vì trách nhiệm nên muốn dùng “kỷ luật” để rèn con trẻ vào khuôn phép!?.

Khi “bạo hành đội lốt yêu thương”

Là người có nhiều năm kinh nghiệm cùng làm việc và lắng nghe tâm tư của trẻ, ThS. Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Đào Tạo Kỹ Năng Sống Insight bày tỏ thái độ bức xúc và phản đối mạnh mẽ cách hành xử cực đoan của người lớn đối với những tâm hồn non nớt trong khi chúng luôn cần thấu hiểu và yêu thương!

ThS. Đinh Thị Thu Hoài

Theo phân tích của ThS. Đinh Thị Thu Hoài: Khi đánh đập, hành hạ trẻ, người ta thường lấy lý do là: “dạy dỗ, rèn trẻ vào khuôn phép” và biện minh rằng “yêu cho roi cho vọt”!... Tuy nhiên, đánh đập, hành hạ không thể làm cho trẻ ngoan hơn mà đơn giản đó chỉ là sự thỏa mãn cơn tức giận không được kiểm soát tốt của người lớn và là hình phạt chứa nhiều hệ lụy mà các em phải gánh chịu!

Một đứa trẻ chỉ có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn và trở nên ngoan hơn nếu các em được dạy dỗ để hiểu được vì sao cần phải thay đổi và hay đổi như thế nào là tốt. Thế nhưng, trong khi đánh hay tệ hơn là “hành hạ” các em thì những người lớn thường không có đủ sáng suốt, bình tĩnh và tường minh để nói với các em những điều cần nói mà thay vào đó chỉ là sự chỉ trích, mắng nhiếc, chửi bới và sỉ nhục các em!

Trong bối cảnh ấy thì các em đâu còn “đầu óc”, còn đâu tâm trí mà tiếp thu những “cái hay, cái đẹp”, hay phân biệt “cái đúng, cái sai” mà chỉ còn một phản xạ là “cố tránh đòn”, sợ hãi, đối phó và thậm chí là âm thầm “chống trả” mà thôi! Tất cả những lời nói, cử chỉ, hành động của “người lớn” vô hình chung đã trở thành một “tấm gương tồi” cho các em! Chính điều này gây phản tác dụng trong việc giáo dục con trẻ.

Một trong những hậu quả chưa kể đến, đó là việc bị đánh nhiều có thể dẫn đến việc các em bị tổn thương, đau đớn về thể xác và sau đó trở nên “lỳ đòn” và “âm thầm” phản kháng, rồi trở nên “ngỗ ngược”, dễ sa vào các tệ nạn xã hội hơn.

Một hệ lụy nguy hiểm khác là việc bị đánh đập, hành hạ chắc chắn sẽ để lại trong con trẻ những vết thương nặng nề về tâm lý. Khi không được sống trong yêu thương, không được cảm nhận thế nào là yêu thương thì lúc nào các em cũng phải sống trong lo sợ, căng thẳng, nơm nớp lo âu rằng mình có làm gì sai không, “liệu hôm nay có bị ăn đòn nữa không?”!

Như vậy thì còn đâu tâm trí để mà học hành, để mà “tiến bộ”, để mà sáng tạo và biết yêu thương quan tâm đến người khác! Nguy hiểm hơn, các em còn có thể bị trầm cảm, nhiều em không thể trở về cuộc sống bình thường được nữa!

ThS. Đinh Thị Thu Hoài cũng cho rằng: Việc thường xuyên đánh đập, bạo hành trẻ chứng tỏ người lớn đó rất kém cỏi về năng lực giáo dục trẻ em và nghiêm trọng hơn, đó chính là hành vi thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức và nhân cách của một nhóm người trong xã hội, gây hậu quả rất lớn và rất khó khắc phục, làm tổn hại đến những người bị hại và cả cộng đồng.

Chúng ta cần lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những đối tượng có hành vi bạo hành trẻ, góp phần để các em - những chủ nhân tương lai của đất nước được sống và lớn lên trong yêu thương, bình an và trưởng thành thực sự, trở thành những người hạnh phúc và có ích cho xã hội!.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.