Cần thêm chế tài để chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương vào cuộc

GD&TĐ - Những ngày qua, trường hợp cháu Trần Nguyên. K (10 tuổi) ở Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành trong suốt thời gian dài khiến dư luận phẫn nộ. Vậy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương có vai trò và trách nhiệm gì khi trên địa bàn quản lý xảy ra vụ việc đáng tiếc này?

Gương mặt thất thần của cháu Trần Nguyên. K khi kể lại chuyện bị bố và mẹ kế đánh đập
Gương mặt thất thần của cháu Trần Nguyên. K khi kể lại chuyện bị bố và mẹ kế đánh đập

Luật sư Hoàng Thị Thuyên – Công ty Luật An Viên – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Căn cứ các quy định tại Bộ Luật Hình sự, hành vi bạo hành con đẻ của Trần Hoài Nam có thể cấu thành một trong hai tội: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151 Bộ luật hình sự 1999) hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác ( Điều 104 Bộ luật hình sự 1999)”.

Theo hồ sơ vụ việc đã được công bố rộng rãi, cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật đối với cháu K theo điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự để làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đối với hành vi bạo hành con đẻ của mình, Trần Hoài Nam có thể bị khởi tố theo tội ngược đãi, hành hạ người phụ thuộc mình – theo quy định tại điều 151 - Bộ Luật hình sự, khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù.

Nếu tỷ lệ thương tật của cháu K từ 11 % đến 30%, ông bố này phải đối diện tội danh và khung hình phạt quy định tại khoản 2 điều 104 - Bộ Luật hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt lên tới 7 năm tù. Mẹ kế, Phạm Thị Tú Trinh có thể bị truy cứu tội danh tương ứng với vai trò đồng phạm.

Luật sư Hoàng Thị Thuyên

Trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương

Luật sư Hoàng Thị Thuyên cho biết thêm: Theo quy định tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và Luật Trẻ em 2016, có tới gần 20 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương: UBND, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, Quỹ bảo trợ trẻ em… Tuy nhiên, Luật lại chưa có quy định cụ thể nào về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức này khi trên địa bàn có xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo hành.

Dư luận đặt câu hỏi, vụ việc xảy ra trong thời gian dài và tính chất khá nghiêm trọng, vậy vai trò của chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương ở đâu?

Luật sư Hoàng Thị Thuyên nhận định: Các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương gần như trong tình trạng bị động, chạy theo để giải quyết, xử lý hậu quả chứ chưa có giải pháp và chế tài để cương quyết kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các sự việc đáng tiếc xảy ra.

Các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính, các quy định của Bộ luật hình sự chỉ quy định xử lý các hành vi cụ thể đã xảy ra.

Nguyên nhân gây ra các vụ bạo hành trẻ thường bắt nguồn từ: Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các thành viên trong gia đình; Sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường; Không có chế tài với các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức quản lý tại địa bàn…

Luật sư Hoàng Thị Thuyên cho rằng: Bạo hành trẻ em là một việc làm đáng lên án mạnh mẽ, trong vụ việc này, nếu các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, rà soát số lượng cũng như chất lượng sống của trẻ em trên địa bàn, có lẽ chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra.

Vì vậy, trách nhiệm của các tổ chức bảo vệ trẻ em tại địa phương cần được quy định cụ thể bằng những chế tài chi tiết thì mới tạo ra động lực đủ mạnh để các tổ chức này phát huy vai trò bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho trẻ em. 

Theo thông tin từ CQĐT công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) và mẹ đẻ cháu Trần Nguyên K, kết quả thăm khám tại bệnh viện cho thấy cháu K đã bị đánh đập, hành hạ dẫn tới bị đa chấn thương vùng đầu, hàm, mắt, bụng. Chụp CT sọ não, X quang ngực, siêu âm ổ bụng thấy xương sườn 7, 8, 9 bên phải và 6, 7, 8 bên trái có đường nứt liên tục, rạn sọ não...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ