Tốt nghiệp cao học với tấm bằng loại giỏi, Nguyễn Đoàn làm giảng viên một trường cao đẳng nghề ở miền Đông Nam bộ. Không đẹp trai lắm nhưng khuôn mặt khá dễ nhìn, cộng với khả năng nói chuyện hấp dẫn, nên Đoàn được xem là hotboy trong mắt bạn bè đồng nghiệp và nữ sinh viên.
Tình cờ trong một lần thi đấu giao hữu thể thao, Đoàn gặp cô sinh viên trường cao đẳng cùng địa bàn. Cả hai trao đổi số điện thoại, hẹn gặp lại sau cuộc thi. Cứ thế, những lần gặp gỡ cà phê, đi chơi chung, nhờ giảng bài đã làm cho cả hai gắn bó nhau hơn và đi đến quyết định kết hôn khi cô gái tốt nghiệp ra trường.
Thông báo ý định này, Đoàn vấp phải sự phản đối kịch liệt của mọi người trong gia đình và họ hàng. Lý do là cô bạn gái chỉ học cao đẳng, không xứng với Đoàn.
Cậu em trai đang học năm thứ hai tại một trường đại học lớn ở TP HCM nói thẳng: “Chị dâu mà không hơn một em cái đầu làm sao gọi là chị được”. Còn bố của Đoàn đưa ra một thông báo rõ ràng “Con dâu của bố phải tốt nghiệp ít nhất là đại học, còn cao đẳng thì thôi, khỏi bàn tới”.
Cũng chỉ vì chuyện bằng cấp mà tình yêu của Mai Nguyên, phó phòng nhân sự của một công ty nước ngoài ở Bình Dương, bị gia đình bạn phản đối mãnh liệt và dứt khoát.
Người yêu của Nguyên chỉ có bằng trung cấp, hiện làm công nhân kỹ thuật trong xưởng của công ty. Lý do của gia đình phản đối tình yêu của 2 bạn là sự chênh lệch về học vấn “Trung cấp sẽ không thể đem lại hạnh phúc cho cuộc sống chung sau này”.
Mai Nguyên cố gắng đưa ra rất nhiều điểm nổi bật của người yêu: Siêng năng, chịu khó, ham học hỏi, được lãnh đạo công ty đánh giá rất cao về năng lực, song cô không thể làm thay đổi được bố mẹ.
Mỗi lần đề cập chuyện này, mẹ cô quả quyết ngắn gọn: “Nếu con lấy nó, thì trong nhà này coi như không có con”. Mong muốn của ông bà là con rể ít nhất cũng phải có học vấn tương đương vợ, tệ lắm tốt nghiệp đại học, có một vị trí gì đó trong xã hội để đảm bảo được hạnh phúc cho cô con gái xinh xắn giỏi giang của mình.
Với Lê Minh, thời gian từ tết Ất Mùi đến nay là giai đoạn khủng hoảng tình cảm trầm trọng. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa loại giỏi, đẹp trai, đàn hay hát giỏi nên Minh luôn là đối tượng tăm tia của nhiều cô gái.
Sau một năm tìm hiểu quen biết, Tết vừa qua Minh quyết định đưa bạn gái về trình diện bố mẹ. Đó một nữ công nhân tạp vụ trong công ty với mức thu nhập kém anh gấp mấy lần.
Sau buổi ra mắt ấy, một nghiêm lệnh cấm được đưa ra từ các vị lão thành trong họ hàng, gia đình. Mọi người vin vào câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ” và khẳng định:
“Con bé đó học hết chỉ phổ thông thôi thì làm sao mà làm sang cho chồng được”. Không những thế, một người dì còn gọi điện cho bạn gái của Minh với những lời lẽ xúc phạm. Quá tự ái, cô bạn dần tránh mặt, thậm chí còn nhắn tin đề nghị Minh chấm dứt mối tình không môn đăng hộ đối này.
Theo chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh, chuyện gia đình treo bảng “phi đại học bất thành phu phụ” không phải là chuyện hiếm gặp trong thời đại này.
Đặc biệt với những gia đình cố gắng nuôi con học hành tới nơi tới chốn, các bậc trưởng lão luôn lấy làm tự hào về sự thành đạt giỏi giang của con mình. Họ kỳ vọng một cuộc hôn nhân môn đăng, hộ đối về mặt học thức giữa con mình và người bạn đời tương lai.
Bên cạnh đó, tâm lý “Cử nhân đại học bây giờ còn thất nghiệp đầy đường thì học trung cấp cao đẳng ra làm sao có việc làm” cũng tác động không nhỏ đến suy nghĩ của nhiều ông bố, bà mẹ. Họ sợ cho gia đình con cái sau này lại đi vào bước xe cũ, phí công bao nhiêu năm dùi mài kinh sử.
Đứng trước thử thách cam go này, nhiều người đã chọn nghe lời bố mẹ, chấp nhận chia tay tình yêu.
“Lấy vợ, lấy chồng về mà không vừa ý mọi người trong nhà thì đau đầu lắm, có khi lại mất khoản tiền "viện trợ" cần thiết lúc khởi nghiệp”, chàng kỹ sư trẻ tên Khôi từng tâm sự với chuyên viên tâm lý về lý do chia tay mối tình đầu để lấy một cô gái khác theo sự sắp đặt của người lớn.
Để thuyết phục con rể tương lai, bố mẹ vợ của Khôi từng hứa tặng hai con khoản viện trợ không hoàn lại là một căn nhà mặt tiền kèm theo cửa hàng bán đồ điện trên mặt phố của một thành phố Tây nguyên.
Thực tế ông Thịnh gặp không ít bạn trẻ sẵn sàng đương đầu với khó khăn để bảo vệ tình yêu của mình Họ cho rằng việc ý kiến khen chê của mọi người chỉ có tính tham khảo, mình mới là người quyết định. “Yêu nhau mà mới thấy chút sóng gió đã ngã tay chèo thì không xứng đáng là mặt nam nhi”, Hải, một sinh viên tại TP HCM quả quyết.
Như Nguyễn Đoàn quyết định chọn giải pháp lưỡng toàn vừa không làm mất lòng cha mẹ, vừa giữ được tình yêu. Anh một mặt thuyết phục bố mẹ dời thời hạn “hoàn thành nhiệm vụ” thêm vài năm nữa, mặt khác Đoàn cùng người yêu lên kế hoạch quyết tâm học đại học liên thông trong thời gian ngắn nhất sau khi ra trường.
“Biết rằng lấy vợ là chuyện của cá nhân mình, nhưng lấy về mà để nàng phải sống trong sự coi thường của mọi người thì mình cũng không thích, khiến cô ấy phải đau khổ.
Tụi mình quyết tâm làm thế nào để trọn vẹn cả bên tình lẫn bên hiếu”. Nguyễn Đoàn và bạn gái đều đặt kỳ vọng hai năm nữa sẽ đạt được mục tiêu học hành đã đặt ra, lúc ấy anh sẽ đường đường chính chính đưa nàng về dinh.