Khen thưởng kỉ luật học sinh hướng tới trường học hạnh phúc

GD&TĐ - Sáng 4/12, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) tổ chức tọa đàm Khen thưởng kỉ luật học sinh hướng tới trường học hạnh phúc.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Dự buổi tọa đàm có ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cùng đông đảo chuyên gia giáo dục, cán bộ công đoàn, các thầy cô giáo.

Hoạt động khen thưởng kỷ luật học sinh có ý nghĩa rất lớn đối với công tác giáo dục học sinh

Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay đang được thực hiện theo Điều lệ trường Tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông.

Tuy nhiên một số quy định về kỷ luật học sinh tại Điều lệ nhà trường và Thông tư số 08/TT chưa đồng bộ, thống nhất. Một số quy định tại Thông tư số 08/TT không còn phù hợp với thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay, nhất là các nội dung mới trong một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành gần đây.

Đặc biệt, quy định về xử lý lỷ luật học sinh hiện nay mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.

Bên cạnh đó, các quy định về xử lý kỷ luật học sinh chưa tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em. Theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà trường thì đây là điểm hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại tọa đàm
 Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại tọa đàm

Vừa qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ đạo các Sở GD&ĐT và Công đoàn các sở tổ chức nhiều cuộc tham vấn ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý về các hình thức kỷ luật tích cực đối với học sinh nhằm đạt hiệu quả cao.

Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu tổng hợp, khái quát để đưa vào hướng dẫn tại dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông.

Tọa đàm Khen thưởng, kỷ luật học sinh hướng tới trường học hạnh phúc cũng là một trong những buổi tham vấn quan trọng trong trong tiến trình này. Tại Tọa đàm, đa số các giáo viên, cán bộ quản lý được tham vấn đồng tình với quan điểm sử dụng các biện pháp kỉ luật tích cực không mang tính bạo lực, trừng phạt học sinh. Giáo dục kỷ luật tích cực giúp học sinh tiến bộ hơn trên cơ sở nhận ra và sửa chữa những khuyết điểm của mình.

Các đại biểu trình bày ý kiến tại tọa đàm
Các đại biểu trình bày ý kiến tại tọa đàm

Các quan điểm về kỉ luật tích cực

Đóng góp cho đề xuất một số hình thức/biện pháp kỷ luật tích cực đối với học sinh, cô Dương Thu Hà - giáo viên trường THPT Lê Lợi, người 2 năm liên tiếp nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo - bày tỏ: “Kỉ luật HS phải có nguyên tắc cụ thể, phải giúp các con nhận ra những sai lầm để thay đổi.

Nhưng không có phần thưởng nào bằng khen thưởng từ trái tim HS. Phải trang bị cho GV hiểu về cách GD HS, kĩ năng để GV hiểu biết các vấn đề, cách giao tiếp với phụ huynh là cực kì quan trọng”.

Cô Vũ Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh) cho biết: “Nhà trường có hội đồng kỉ luật nhưng 3 năm nay chưa HS nào bị kỉ luật. Để có được điều đó, từ đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền đến học sinh những quy định của pháp luật, những nội quy của nhà trường, học sinh thậm chí đã được học thuộc lòng. CMHS cũng phải được biết đến.

Nhà trường còn yêu cầu HS phải cam kết, nếu vi phạm một trong những quy định này thì các con phải chấp nhận những “hình phạt”. Khi HS đã vi phạm thì không có biện  pháp kỉ luật ngay mà các con sẽ được trao đổi và các con phải tự nhận hình thức kỉ luật.

Nhà trường không đưa ra hình thức kỉ luật cho cá nhân 1 học sinh mà cho 1 tập thể. Cô giáo chủ nhiệm phải chấp nhận hạ thi đua nếu có HS vi phạm….”

Cô Vũ Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh) phát biểu tại tọa đàm
Cô Vũ Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh)  phát biểu tại tọa đàm

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - giáo viên đến từ Trường quốc tế Nhật Bản chia sẻ: HS của nhà trường được khen là chính. Phần thưởng chỉ là giấy khen và lời khích lệ động viên chứ không chú trọng khen bằng vật chất, dù chỉ là chiếc bút chì.

Hình thức Giấy chứng nhận, giấy khen được làm rất công phu, được trao rất trân trọng để tôn cao giá trị thành tích của HS, khích lệ thành tích con đã đạt được. Bằng khen của các con, dù sai lỗi rất nhỏ nhưng các thầy cô cũng yêu cầu làm lại tỉ mỉ. Điều này giúp các con cảm nhận được giá trị của bản thân, ảnh hưởng của bản thân đối với tập thể, cộng đồng như thế nào.

Vấn đề kỉ luật đối với trường Nhật Bản là tôn trọng sự công bằng, không bao giờ xúc phạm đến HS. Khi HS mắc lỗi thì các thầy cô không bao giờ phê bình các con trước tập thể mà gọi các con ra vị trí riêng để phân tích sự việc, giúp các con nhận thức được vấn đề. Không bao giờ các thầy cô sát phạt và dùng những từ ngữ chì chiết mà phân tích tỉ mỉ để tìm rõ nguyên nhân”.

PGS Trần Thành Nam – Trưởng Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, (ĐHQG HN) bày tỏ quan điểm: “Kỉ luật là một danh từ, phải tạo ra một môi trường kỉ luật ở trong nhà trường một cách tích cực, trong bầu không khí tích cực. Nếu chỉ có khen thưởng mà không có hình thức kỉ luật là không phù hợp.

Làm thế nào để có môi trường có tính kỉ luật? Đó là cần tạo ra môi trường kỉ luật tập trung làm thế nào để tăng điều tốt lên. Nguyên tắc để giảm những hành vi xấu là tăng các hành vi tốt. Vì một ngày đến trường chỉ có từng đấy thời gian, nếu cả thầy trò chỉ chú ý vào hành vi tốt thì làm gì còn hành vi xấu”.

Các đại biểu tham dự tọa đàm
Các đại biểu tham dự tọa đàm

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Những ý kiến trao đổi dưới nhiều góc độ khác nhau đã gợi ra những vấn đề rất mới sâu sắc để giúp cho việc hoàn thiện những quy định, quy phạm pháp luật trong công tác khen thưởng, kỉ luật học sinh được thực hiện hiệu quả hơn tới đây.

Công đoàn Ngành tiếp tục đón nhận các ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn thiện các hình thức kỷ luật tích cực học sinh được phù hợp, tốt nhất (qua fanspage “Công đoàn Giáo dục Việt Nam”).

Một số hình thức/ biện pháp kỷ luật tích cực đối với học sinh:

1. Nhắc nhở, động viên, phê bình đối với học sinh vi phạm.

Hiệu quả phụ thuộc nhiều vào thái độ của giáo viên khi thực hiện việc này. Thể hiện sự nghiêm khắc nhưng bao dung, thấu hiểu, lắng nghe.

Lưu ý: không sử dụng các hình thức phê bình mang tính nhục mạ, ảnh hưởng đến danh dự, tinh thần của HS. Không bắt học sinh đứng trước lớp, trước toàn trường để nghe phê bình, kiểm điểm.

2. Tư vấn tâm lý, hỗ trợ trực tiếp để học sinh sửa chữa khuyết điểm

Thực hiện bởi các giáo viên có nhiều kinh nghiệm, được bồi dưỡng về tư vấn tâm lý học đường.

3. Yêu cầu HS viết cảm nhận/kiểm điểm về sự việc đã xảy ra

Khi học sinh vi phạm khuyết điểm giáo viên yêu cầu học sinh viết cảm nhận về sự việc đã xảy ra; về hậu quả những hành vi do mình gây ra, cách khắc phục, phương hướng sửa chữa khuyết điểm.

Giáo viên nhận xét, góp ý một cách khéo léo về những khuyết điểm mà học sinh đã mắc phải, không nên chê bai, chỉ trích vì điều đó sẽ vô tình làm mất đi tính tích cực chủ động ở các em. Hãy để học sinh cảm nhận được sự tin tưởng của thầy cô dành cho các em.

4. Đọc sách/xem phim tài liệu về bài học về đạo đức, ứng xử văn hóa…

Khi học sinh phạm lỗi, giáo viên yêu cầu học sinh đọc hết 01 cuốn sách hay 01 truyện ngắn/xem một bộ phim (theo định hướng của giáo viên) trong một thời gian nhất định và trình bày trước lớp về nội dung cuốn sách (truyện, phim) và bài học rút ra từ cuốn sách đó.

5. Thực hiện các nhiệm vụ học tập, hoạt động văn nghệ, thể thao

Khi học sinh phạm lỗi: Yêu cầu học sinh chép lại nội quy của trường (lớp); giao cho học sinh hoàn thành bổ sung các nhiệm vụ học tập như: Làm bài tập, viết bài luận theo chủ đề; tham gia các nhóm học tập, hay các hoạt động văn nghệ, thể thao của trường, lớp.

6. Lao động công ích

Khi học sinh tái phạm nhiều lần, yêu cầu học sinh thực hiện các hình thức lao động công ích như: trồng cây, chăm sóc bồn hoa cây cảnh trong khuôn viên nhà trường, dọn vệ sinh, trực nhật lớp.

Lưu ý: Hình thức lao động phải phù hợp với tâm lý và thể chất, đảm bảo an toàn HS. Không bắt học sinh lao động vượt quá khả năng, mất an toàn hoặc để bạn bè chế nhạo, chê cười.

7. Tham gia các hoạt động vì cộng đồng

Những học sinh hay vi phạm khuyết điểm, hãy tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện, các hoạt động nhân đạo từ đó hình thành ý thức đối với cộng đồng, xã hội; hướng tới những giá trị sống tích cực, ngăn ngừa hành vi sai trái, lệch lạc.

8. Giao việc cho học sinh mắc khuyết điểm

Giao cho học sinh vi phạm khuyết điểm (hoặc có biểu hiện vi phạm) những chủ đề thuyết trình nội dung tương ứng với vi phạm để trình bày trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoài giờ...sau một thời gian khi học sinh không vi phạm (hoặc chưa kịp vi phạm) thì phải tuyên dương kịp thời (việc tuyên dương sẽ làm học sinh suy nghĩ trước khi vi phạm).

9. Sử dụng hiệu quả của hòm thư góp ý của lớp

Những điều em muốn nói trong lớp, khuyến khích các bạn trong ban cán sự viết thư  góp ý với bạn đã vi phạm khuyết điểm, động viên, khen kịp thời nếu các bạn có việc làm tiến bộ. Cuối tuần, giờ sinh hoạt, giáo viên mở thùng thư và đọc cho cả lớp nghe (không tiết lộ danh tính tác giả).

10. Tham gia giám sát thực hiện nội quy

Cho học sinh tham gia giám sát việc thực hiện  nội quy của học sinh nhà trường như: Tham gia đội cờ đỏ, đội thanh niên xung kích (có sự giám sát của các bạn và giáo viên). Trong quá trình tham gia, học sinh vi phạm kỉ luật tự điều chỉnh ý thức, hành vi của mình, có ý thức chấp hành kỉ luật. 

11. Tạm ngừng một số quyền lợi của  học sinh vi phạm thực hiện kế hoạch giáo dục riêng.

Yêu cầu học sinh không được ra chơi, tham gia hoạt động tập thể để thực hiện nhiệm vụ bổ sung như: học/chép bổ sung, viết kiểm điểm, đọc sách, dọn vệ sinh lớp học hoặc khắc phục hậu quả do lỗi vi phạm…

12. Giúp đỡ học sinh tự khắc phục hoặc tham gia khắc phục hậu quả do vi phạm của mình gây ra.

Nhà trường, giáo viên căn cứ vào lỗi vi phạm cụ thể và hậu quả để yêu cầu học sinh tự khắc phục hoặc khắc phục dưới sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ