Kỉ luật là cần thiết nhưng phải phù hợp, đúng quy định
Ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Trước hết, chúng ta cần phê phán em HS đã có việc làm thiếu suy nghĩ khi đăng tải các nội dung có tính chất kích động, có nội dung không phù hợp với lứa tuổi HS, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam, đã vi phạm bộ qui định ứng xử văn hóa trong cơ sở GD; gây mất đoàn kết trong HS, thanh niên ta với nước khác.
Kỷ luật là một trong hình thức tổ chức hoạt động của mỗi nhà trường để giữ gìn và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện; tạo điều kiện cho bản thân HS bị kỷ luật có nhận thức đúng đắn hơn, có hành vi và thái độ phù hợp với chuẩn mực đạo đức, lối sống hơn. Kỷ luật để GD HS, tạo điều kiện cho các em phát triển. Đồng thời, nhà trường giữ gìn, phát triển văn hóa ứng xử trong trường học, tạo điều kiện cho các HS khác có môi trường GD tốt đẹp hơn.
Quyết định kỷ luật là do Hội đồng kỷ luật trường xem xét và đề nghị Hiệu trưởng quyết định. Nhà trường chịu trách nhiệm với quyết định ban hành cả về nội dung, mức độ, hình thức thực hiện, cũng như báo cáo cấp trên trực tiếp của nhà trường. Nếu chưa phù hợp thì cơ quan quản lý cấp trên của nhà trường sẽ xem xét, chỉ đạo xử lý cho phù hợp, đúng qui định của pháp luật.
Cần có căn cứ để xác định mức độ phù hợp của hình thức kỉ luật phù hợp HS vi phạm; trên cơ sở đồng thuận, có tham gia phối hợp của gia đình HS vi phạm (lưu ý lỗi vi phạm mạng xã hội đã có quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính hoặc cao hơn).
Trách nhiệm chính của nhà trường là GD, trang bị kỹ năng sống, GD học sinh có thái độ tôn trọng sự khác biệt; khi tham gia, sử dụng mạng xã hội phải lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, phục vụ cho học tập, giải trí hiệu quả.
Thông tư 08 chưa có quy định cụ thể về lỗi vi phạm loại này, nên nhà trường không được hoàn toàn dựa vào Thông tư 08 khi xử lý kỷ luật HS. Để có mức kỷ luật phù hợp, hội đồng kỷ luật nhà trường cần có tiến hành đủ căn cứ/thông tin nội dung mà HS đã đăng tải lên mạng, từ đó phân tích để xác định mức độ ảnh hưởng, vi phạm của hành vi lệch chuẩn này của HS, tránh việc kết luận còn chủ quan hoặc định kiến.
Nhà trường cũng cần xác định rõ mục đích của hình thức kỷ luật được lựa chọn đó đạt được mục đích GD hay không? Cần lường trước những hệ lụy (nếu có) của những biện pháp kỷ luật đó... Bên cạnh đó, nhà trường cần phối hợp và tạo sự đồng thuận (trao đổi, cam kết, giao trách nhiệm) với các bên liên quan để cùng thực hiện và cùng chịu trách nhiệm về vấn đề kỷ luật HS.
Lãnh đạo Trường THCS Ngô Quyền thừa nhận phạm sai lầm, nóng vội khi bắt nam sinh lớp 8 xin lỗi công khai và quay clip đăng lên mạng xã hội. |
Hoàn thiện thông tư hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật HS
Ông Bùi Văn Linh cho biết thêm: Hiện nay việc xem xét kỷ luật HS phổ thông đang được qui định tại các Thông tư quy định điều lệ nhà trường và các qui định liên quan khác... Trong đó, Thông tư 08 hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật HS phổ thông chỉ là một trong các quy định đó.
Đến nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Thông tư mới để thay thế Thông tư 08. Trong quá trình xây dựng Thông tư; Bộ GD&ĐT đã tiến hành nghiên cứu, cập nhật nhiều nội dung mới, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn đổi mới GD nói riêng và đổi mới đất nước nói chung (như Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng, Luật GD 2019…); trong đó, có những qui định xử lý cụ thể với các hành vi vi phạm đã được các luật quy định thì được áp dụng ngay, không cần chờ Thông tư.
Việc kỷ luật HS phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của HS; lấy vận động, thuyết phục là chính, đặc biệt không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần, sức khoẻ của HS; Chú trọng thực hiện các biện pháp kỉ luật tích cực, giúp HS nhận thức được khuyết điểm, khắc phục hậu quả (nếu có).
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho Hiệu trưởng nhà trường ban hành quy định cụ thể về nội quy, hình thức kỉ luật tích cực tương ứng với hành vi vi phạm của HS trên cơ sở lấy ý kiến đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, HS và các tổ chức liên quan...
Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm giải trình về hình thức kỉ luật HS với cơ quan quản lý cấp trên. Bộ và các cơ quan quản lý GD ở địa phương sẽ kiểm tra, chấn chỉnh; nếu nhà trường vi phạm nguyên tắc, nội dung hướng dẫn tại Thông tư.
Qua vụ việc trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở GD, nhà giáo, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên, cán bộ Đội- Đoàn; nhất là các đồng chí hiệu trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cập nhật các qui định, chế độ chính sách liên quan của Ngành GD; qui định của pháp luật.
Tăng cường nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng, hành vi của HS (kể cả trên môi trường mạng); phối hợp các lực lượng GD trong và ngoài nhà trường... để tổ chức, điều hành các hoạt động GD đáp ứng mục tiêu GD toàn diện cho HS và đạt hiệu quả cao nhất; cũng như xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện; tránh việc vội vàng, mắc sai lầm... dẫn đến có hệ lụy, ảnh hưởng xấu môi trường GD và ảnh hưởng tâm lý, học tập và rèn luyện của HS...
Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM chỉ đạo Phòng GD&ĐT Tân Bình yêu cầu lãnh đạo trường THCS Ngô Quyền báo cáo toàn bộ các minh chứng, quy trình, các bước tiến hành của Hội đồng kỉ luật nhà trường liên quan đến việc kỉ luật HS, đảm bảo việc kỉ luật phải phù hợp với lỗi vi phạm của HS, đảm bảo tính GD.
Những ngày qua, clip N.H.M.Q. (học sinh lớp 8, trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, TP.HCM) đọc kiểm điểm trước toàn trường vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều người cho rằng biện pháp này là cần thiết để răn đe học sinh có hành vi nhục mạ người khác, cư xử không đúng mực trên mạng xã hội. Trong khi đó, số khác cảm thấy cần kỷ luật nhưng việc bắt học sinh xin lỗi rồi đưa clip lên mạng phản giáo dục. Trường làm như vậy là bêu xấu em và có thể dẫn tới nguy hiểm.