Đường vào Khau Bang |
(GD&TĐ) - Trường Tiểu học Bằng Thành tọa lạc tại thôn Bản Khúa, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Từ trung tâm huyện muốn tới xã, phải đi gần 30km, qua nhiều suối, ghềnh, vực sâu và mất hơn một giờ đồng hồ nếu vào thời tiết thuận lợi, không mưa. Để đến điểm trường Khau Bang - điểm trường khó khăn nhất của Bằng Thành, phải đi thêm 7km đường núi quanh co...
Vượt dốc vào điểm trường
Muốn vào Bằng Thành và tới các điểm trường, các thầy cô phải đi qua 3 đập tràn. Những ngày lũ, con suối dâng nước lên cao, các thầy cô đi bè mảng do dân làm, giá từ 50 - 100.000đ/lượt. Còn mùa hanh khô, mỗi xe máy đi trên chiếc cầu được người dân công phu đóng bởi những thân tre ghép vào nhau nối 2 bờ cho người đi bộ và xe máy đi qua, mỗi lượt là 5.000đ. Vào tới trung tâm trường, có 3 con suối. Đó là chưa kể khi mưa, bùn quấn xe, lên dốc phải đẩy khó nhọc, còn xuống dốc, các thầy cô phải lấy xích quấn vào bánh xe, kéo cả người và xe xuống vực.
Như vậy, đủ thấy con đường tới trường của các thầy cô ở đây gian nan tới mức độ nào. Tuy nhiên khó khăn ấy chưa phải đã hết. Thầy Cà Văn Thức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bằng Thành đưa chúng tôi đến điểm trường Khau Bang, sau khi để chiếc xe máy ngoài con đường phía ngoài ở ven đồi rồi cùng nhau… vượt dốc để vào điểm trường.
Nhìn từ xa, lớp học và nhà công vụ của giáo viên điểm trường Khau Bang trong như mấy túp lều lô xô xiêu vẹo nghiêng ngả trên đỉnh đồi. Hiếm ai nghĩ đó là khu trường học, nếu không có bóng trẻ em vào ra và lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió tại khu điểm trường. Khau Bang là 1 trong 12 điểm trường khó khăn nhất của Bằng Thành, Pắc Nặm.
Thừa tiêu chí “không”
Cô trò điểm trường Khau Bang |
Không chợ, không điện, không ti vi, không nước, không đường giao thông, không có nhà vệ sinh, lớp không có cửa, bốn bề không có đủ tường bao. Có nghĩa là bất kể thứ gì cần thiết cho đời sống bình thường của con người, ở đây, thầy trò Khau Bang thiếu hết.
Thầy Hoàng Văn Hùng, điểm trưởng điểm trường Khau Bang cho biết, điểm trường có 88 học sinh, với 27 học sinh Mầm non và 61 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Bằng Thành có 12 điểm trường, thì nơi đây là điểm trường có số học sinh đông nhất. Thầy cho biết điểm trường đã có cách đây 10 năm. Có 5 gian nhà công vụ tạm của giáo viên, và 5 lớp học tạm.
Hỏi tình trạng lớp học và nhà công vụ của giáo viên với tình trạng “ngồi trong nhà nghe ù ù gió thổi và ngắm thoải mái trăng sao” như thế này đã có từ lâu chưa, thầy ngậm ngùi cho biết: Có từ 10 năm rồi. Nhưng do đặc điểm khác biệt ở nơi đây, không có rừng nên tre, gỗ không có.
Chỉ có đồi trọc và cỏ tranh. Bà con ở đây quá nghèo, nhiều gia đình thiếu ăn, thậm chí tới mức độ muốn con ở nhà lên nương, nên khi nhà trường có việc, chỉ giúp sức lao động nếu cần huy động sửa nhà, làm đường… Nhưng để mua ngói, prô-xi măng, hay lá cọ... đều là khó khăn, nếu không muốn nói là không tưởng.
Hàng năm, trường vẫn bổ sung tấm lợp và những tấm bạt che bốn bề xen vào những mảnh tranh ghép hỏng, nhưng gió mạnh, lại bật tung và lại quây bằng… bạt. Cả đêm gió ù ù, vào những ngày lạnh giá, 8 thầy cô run rẩy thao thức không thể ngủ được bởi gió lùa, tất cả ngồi dậy sưởi ấm và mong trời mau sáng.
Nước sạch không có, các thầy cô hứng nước từ mạch ngầm trên núi, nhưng con nước nhỏ xíu ri rỉ dẫn bào bếp, đủ để đun nước uống và nấu ăn. Còn mọi sinh hoạt khác, nhiều khi phải dành đến ngày thứ 7, chủ nhật nghỉ về thăm nhà… xử lý.
Thức ăn, mua vào ngày cuối tuần để đầu tuần đến điểm trường dùng cho cả tuần. Trứng, cá khô, lạc vừng… vẫn được ưu tiên số 1.
Số giáo viên trẻ thế hệ 8X, 9X ở đây có 4 thầy cô. Trẻ nhất là cô Hoàng Ngọc Hà sinh năm 1993, cô Hoàng Thị Thêm sinh năm 1990, cô Triệu Thị Thúy sinh năm 1991, thầy Ma Văn Uyên sinh năm 1988…
Hầu hết các thầy cô là người Pắc Nặm, cuối tuần lại về nhà cho vơi nỗi nhớ người thân. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đã gắn bó tại vùng đất nghèo nàn này để mang ánh sáng tri thức đến cho bà con các dân tộc.
Tôi chợt nhớ, trong ánh đèn leo lét của bóng điện chập chờn (điện từ thủy lợi nhỏ), tại chiếc bàn để sát cửa, có 5 chiếc điện thoại để ngay ngắn chụm vào nhau. Đây là nơi duy nhất mơ hồ có sóng “rơi” khi được khi mất.
Nếu cầm lên nghe, lập tức mất sóng ngay. Thành ra các thầy cô cứ để nguyên xi, bật loa ngoài rồi ghé tai vào sát điện thoại, nói chuyện với người thân, đồng nghiệp. Câu chuyện đôi khi rất riêng tư thành ra câu chuyện của mọi người, cùng nghe và đôi lúc… cười sảng khoái bởi sự “bí mật” đã được “bật mí” trong tình huống không thể đừng.
Lớp học an toàn, kiên cố - giấc mơ dài
Thầy Cà Văn Thức ao ước có một lớp học khang trang, hay ít ra chắc chắn, kiên cố để cho học sinh không bị rét vào mùa đông và mưa xối vào những ngày mưa. Một lớp học an toàn cho học sinh Khau Bang. Thầy cũng ao ước có khu nhà công vụ giáo viên đủ ấm vào mùa đông và có nước có điện cho những giáo viên vốn đã quá nhiều thiệt thòi khi dạy tại điểm trường này. Chỉ có vậy thôi…
Bây giờ có lẽ thầy trò Khau Bang lạnh lắm, giữa những ngày giá buốt thế này. Lại có những học sinh nghỉ học. Vì không đủ áo ấm đến lớp.
Rồi nỗi lo cơm áo giữa những ngày giáp hạt của cha mẹ các em cũng khiến học trò của thầy trò Khau Bang đến lớp không chuyên cần. Mưa, các em nghỉ học. Vào vụ mùa, các em nghỉ học. Rét, nghỉ học… Sân chơi không có, các em lên đồi chơi trò đuổi nhau. Trưa, ăn cơm nắm muối trắng xong, chiều lại học tiếp.
Ước mơ và mong mỏi của không chỉ riêng thầy Hiệu trưởng Cà Văn Thức, là được xây dựng thêm mấy lớp theo mô hình bán trú để học sinh Tiểu học Bằng Thành nói chung và Khau Bang, Nà Cà, Lủng Vàng… có thêm cơ hội học tập lên.
Khau Bang, Nà Cà, Lủng Vàng… là những điểm trường khó khăn. Nhưng tại những nơi khó khăn này, các thầy cô vẫn đêm ngày bền bỉ gắn bó với giáo dục vùng cao. Bằng Thành có 28/33 giáo viên dạy giỏi cấp trường (84,84%).
Tôi nhận ra, giữa tấm bạt rách che chưa đủ bốn bề cho mưa gió khỏi lùa trên lớp kia, vẫn còn những hàng chữ ngay ngắn của các em trên vở tập viết. Vẫn còn những tấm lòng của các thầy cô nơi đây gắn bó với miền đất hoang vu này… Họ như những vệt ngô cằn cỗi trên đỉnh đồi cheo leo kia, dẫu khô khát hanh hao, nhưng vẫn mang lại sự sống và là niềm khát vọng cho bao người…
Chu Thị Thơm