Khâu 70 mũi sau khi bị chó nhà hàng xóm tấn công

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi bị chó nhà hàng xóm tấn công, nữ bệnh nhân 68 tuổi phải khâu 70 mũi. Hiện tại, sau phẫu thuật, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định.

Bệnh nhân được hướng dẫn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân được hướng dẫn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại. Ảnh: BVCC.

Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nữ, 68 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) bị chó nhà hàng xóm tấn công.

Theo người nhà, bệnh nhân đang quét ngõ thì bất ngờ con chó nhà hàng xóm (hơn 20 kg) lao ra tấn công. Chó quá hung dữ, liên tục cắn vào vùng mặt và tay, chân. Đặc biệt, vùng mặt của bệnh nhân bị thương rất nặng. Gia đình đã đưa bà đến cơ sở y tế gần nhà sơ cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh, cột sống để phẫu thuật.

Bác sĩ Vũ Giang An – Khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh, cột sống là người tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhân. Bác sĩ Giang An chia sẻ: "Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng bị chó cắn vào vùng mặt. Tất cả các vết thương đều hở, chảy nhiều máu. Vùng miệng thì rách toàn bộ môi dưới thông lên khoang miệng. Trên vùng mắt có vết thương mi dưới mắt trái rách xuống cánh mũi, lộ xương".

Do vết thương rất lớn, nên bệnh nhân phải khâu gần 70 mũi. Hiện tại, sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, được hướng dẫn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Theo bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng tư vấn tiêm chủng vắc xin - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với trường hợp bệnh nhân trên, vì vết thương ở vùng mặt, nên ngoài tiêm phòng uốn ván, còn cần được tiêm phòng dại đầy đủ cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại.

Bác sĩ Đại cho biết, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, khi bị chó cắn, người dân nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại vết thương và tư vấn tiêm phòng dại. Đặc biệt, cần tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Nếu bị chó cắn vào các vị trí như: đầu mặt cổ, bộ phận sinh dục, đầu bàn chân bàn tay hay các trường hợp đa chấn thương với vết thương rộng, sâu, người dân phải đi tiêm phòng dại ngay, cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại.

Mùa hè nắng nóng là thời điểm các bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên chủ quan. Những hộ gia đình có nuôi chó nên cho vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ. Nếu cho chó đi ra ngoài, nên rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-16 Mỹ mang theo hai quả bom B61-12.

Hiện đại hóa B61-12 để làm gì?

GD&TĐ - Tờ Politico dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, bom hạt nhân B61-12 đã nâng cấp được triển khai đến các căn cứ NATO ở châu Âu từ cuối năm 2022.