Khảo sát chất lượng trực tuyến cho HS lớp 12: Phương pháp ôn luyện hiệu quả mùa Covid

GD&TĐ - Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều địa phương triển khai hình thức đánh giá năng lực trực tuyến (online) để củng cố kiến thức cho học sinh khối 12.

Học sinh trường THPT Ninh Giang (Hải Dương) tham gia kỳ thi khảo sát chất lượng lần 1 theo hình thức trực tuyến trên hệ thống Onluyen.vn.
Học sinh trường THPT Ninh Giang (Hải Dương) tham gia kỳ thi khảo sát chất lượng lần 1 theo hình thức trực tuyến trên hệ thống Onluyen.vn.

Học sinh lo không vững kiến thức để thi tốt nghiệp

Theo thông tin tuyển sinh năm học 2022 vừa được nhiều trường Đại học công bố, xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, về cơ bản chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm chủ đạo, trung bình từ 40 – 60%.

Khác với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, nhiều trường vẫn chưa thể cho học sinh quay lại trường học tập trung. Các kỳ thi kiểm tra, đánh giá năng lực dành cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thế cũng không thể diễn ra như kế hoạch ban đầu.

Trong hoàn cảnh này, nhiều học sinh cho biết khá lo lắng vì không có được sự chuẩn bị kỹ càng nhất cho các kỳ thi quan trọng sắp tới. “Trường em học online từ đầu học kỳ đến giờ, việc ôn tập cũng bị hạn chế, nên bản thân em tự thấy vẫn chưa nắm chắc được một số kiến thức đã học. Vì học trực tuyến nên đối với chúng em, ôn tập và kiểm tra trực tuyến cũng khá dễ dàng và là kênh trau dồi thêm kiến thức rất hiệu quả. Được thầy cô hướng dẫn cách tự ôn luyện online, củng cố kiến thức nên cũng đỡ lo phần nào”, em Minh Tâm – học sinh khối 12, trường THPT A Phủ Lý (Hà Nam) chia sẻ.

Cùng có suy nghĩ như Minh Tâm, Thành Trung, học sinh khối 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Em và các bạn rất mừng khi biết được đi học trở lại từ ngày 6/12. Theo Trung, học sinh khối 12 phải thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, nếu cứ học trực tuyến kéo dài thì em và các bạn đều rất lo không đủ kiến thức để đi thi. Bởi vậy, cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các thầy cô, học sinh cũng phải chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch tự học và ôn tập.

Học trực tuyến kéo dài, nhiều học sinh khối 12 khá lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. (Ảnh minh họa)
Học trực tuyến kéo dài, nhiều học sinh khối 12 khá lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. (Ảnh minh họa)

Đẩy mạnh đánh giá năng lực theo hình thức trực tuyến

Từ ngày 10 – 12/12, gần 14 nghìn học sinh khối 12 tại Hải Dương đã đồng loạt tham gia kỳ thi khảo sát chất lượng lần 1 theo hình thức trực tuyến trên hệ thống Onluyen.vn với các môn thi trắc nghiệm, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý và GDCD.

Mục đích tổ chức kỳ thi này, theo Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hải Dương nhằm giúp cấp quản lý, nhà trường và giáo viên nắm bắt thêm thông tin về chất lượng học tập của học sinh để có các giải pháp trong công tác quản lý và giảng dạy phù hợp. Qua đó nâng cao kết quả học tập của học sinh nói chung và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nói riêng.

Theo kế hoạch, Hải Dương sẽ tổ chức 3 kỳ thi khảo sát chất lượng từ nay đến trước thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Là đơn vị nhiều năm đồng hành cùng ngành giáo dục, Ông Nguyễn Ngọc Quế - Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Edmicro cho biết: Từ kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực cho nhiều đơn vị giáo dục trên cả nước, hiện chúng tôi đang hỗ trợ Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương và một số địa phương thực hiện các kỳ thi khảo sát chất lượng trên hệ thống Onluyen.vn. Thế mạnh của giải pháp này là tập trung vào tạo sự công bằng, dễ dàng trong việc thực hiện bài thi trực tuyến, như tính ổn định của hệ thống cao, học sinh có thể thi trên nhiều loại thiết bị, không yêu cầu cấu hình máy cao hay đường truyền internet phải mạnh…

Đánh giá về công tác tổ chức của kỳ thi khảo sát chất lượng đợt 1, thầy Lê Văn Lục, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Miện (Hải Dương) cho biết: “Kỳ thi được tổ chức bài bản, khoa học và đạt hiệu quả cao, từ khâu test (kiểm tra) thử, huy động số học sinh tham gia dự thi đến khâu ra đề có sự phân loại tốt, bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT”.

Được biết, kỳ thi khảo sát chất lượng lần này không phải là lần đầu Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hải Dương tổ chức thi theo hình thức trực tuyến. Theo thầy Lục, so với những lần tổ chức trước, lần thi này có nhiều điểm tích cực hơn, như cán bộ phụ trách rất sâu sát nên huy động được nhiều học sinh tham gia dự thi, đề thi có sự phân hóa tốt, thời gian tổ chức hợp lý (buổi tối) góp phần đảm bảo số lượng, chất lượng thí sinh, với nhiều số liệu báo cáo thống kê hơn và đặc biệt bổ sung tính năng Giám sát kỳ thi…

Em Trần Thị Thu Quyên, học sinh khối 12, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) cho biết, trong quá trình thi khảo sát chất lượng trực tuyến vừa qua, em không gặp khó khăn nào. Theo Quyên, đối với hình thức đánh giá năng lực trực tuyến, để đạt kết quả làm bài tốt, học sinh phải trang bị cho mình kiến thức chắc chắn, biêt phân chia thời gian làm bài, tính tự giác cao và đường mạng Internet ổn định.

Trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, sự chủ động của Sở Giáo dục & Đào tạo cùng các nhà trường sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh trong việc ôn luyện kiến thức, đánh giá năng lực… để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Cùng đó, dù các trường Đại học ngày càng đa dạng các phương thức xét tuyển (xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT…), thì nền tảng quan trọng nhất đối với các em học sinh vẫn nằm ở việc tự học để có được kiến thức bền chắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…