Đánh giá trực tuyến giữa kỳ I: Đảm bảo công bằng và đúng khả năng học sinh

GD&TĐ - Để đảm bảo nghiêm túc, công bằng và đánh giá đúng năng lực học sinh, các trường học ở Cần Thơ đã chủ động xây dựng các phương án tổ chức đánh giá giữa kỳ, yêu cầu giáo viên và học sinh thực hiện nghiêm túc.

Hình ảnh kiểm tra đánh giá trực tuyến giữa kỳ I của Trường THPT Thốt Nốt, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ).
Hình ảnh kiểm tra đánh giá trực tuyến giữa kỳ I của Trường THPT Thốt Nốt, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ).

Lên phương án tổ chức đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng

Để bảo đảm công bằng, khách quan và đánh giá đúng năng lực của học sinh trong kỳ kiểm tra, các trường học ở Cần Thơ đã lên kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ I bằng hình thức trực tuyến  khá chi tiết, kỹ lưỡng.

Đồng thời, các phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá dự phòng cũng được nhà trường chủ động, từ đó kịp thời hỗ trợ những trường hợp đặc biệt, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Tại Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), việc kiểm tra đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến đã được nhà trường xây dựng phương án từ đầu năm học. Qua khảo sát và lấy ý kiến giáo viên, trường thống nhất lựa chọn phần mềm VNPT E-LEARNING để đánh giá trực tuyến.

Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng chia sẻ: "Thông qua phần mềm này,  học sinh chỉ mở được một ứng dụng trong suốt quá trình thi, nếu mở thêm ứng dụng khác sẽ được ghi nhận và báo cáo lại qua hệ thống quản lý.

Do đó, trước khi tổ chức đánh giá, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thông tin và phổ biến kỹ lưỡng quy chế, cũng như các tính năng của phần mềm đến phụ huynh và học sinh".

Theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ), để đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh thì trong quá trình học tập trên lớp, nhà trường yêu cầu giáo viên bộ môn nắm bắt năng lực học tập của từng em, kết hợp kết quả đánh giá thường xuyên với kỳ thi đánh giá giữa kỳ 1.

"Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đòi hỏi các giáo viên phải tìm hiểu kỹ phần mềm, đồng thời nhà trường phải tổ chức tập huấn cho giáo viên về quy trình coi thi trên máy tính cũng như quy trình làm bài của học sinh. Từ đó hướng dẫn lại cho học sinh giúp các em tự tin, thoải mái làm bài", thầy Dũng cho biết.

Học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều) học trực tuyến.
Học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều) học trực tuyến.

Bước đầu thực hiện còn nhiều khó khăn

Qua quá trình kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ 1, thầy Lâm Đức Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thuỷ) cho biết còn nhiều học sinh gặp sự cố khi làm bài cũng như nộp bài do lỗi mạng, cúp điện, bấm nút gởi nhưng không nộp được,… Cụ thể có 249 trường hợp bị sự cố trên tổng số 14.085 lượt kiểm tra, chiếm tỷ lệ 1,7%

Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường đã chủ động xây dựng kho đề thi đa dạng với nhiều bộ đề thi dự phòng. Nếu học sinh gặp sự cố không thể thực hiện ngay tại thời điểm đó thì có thể xác nhận với cô chủ nhiệm phải tham gia kiểm tra bổ sung bằng đề dự phòng.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Ðặng Huyền Trân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thới Long (quận Ô Môn) chia sẻ: "Thực tế triển khai vẫn gặp những tình huống trục trặc về thiết bị, mạng internet... từ học sinh, vì vậy nhà trường chủ động xây dựng các phương án thi dự phòng. Ngoài ra, nhà trường cũng bố trí sẵn phòng máy, máy tính bảng hay điện thoại mượn từ giáo viên hỗ trợ các em kịp thời trong quá trình thi".

Để chuẩn bị tốt cho đánh giá định kỳ, thầy Nguyễn Thanh Hưng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ cho biết: "Sau khi triển khai năm học 2021-2022 bằng hình thức học tập trực tuyến, phòng yêu cầu các trường học tại địa phương rà soát điều kiện dạy và học trực tuyến.

Nếu phát hiện trường hợp nào gặp khó khăn trong học trực tuyến thì cần chủ động tìm các giải pháp hỗ trợ kịp thời để bảo đảm sự công bằng trong học tập, kiểm tra, đánh giá đối với các em".

Thống kê về tình hình kiểm tra trực tuyến giữa học kỳ 1 của Phòng GD&ĐT Cờ Đỏ, học sinh cấp THCS tham gia kiểm tra là 6.420/7.083 (tỉ lệ 90,6%); học sinh chưa tham gia kiểm tra  là 663/7.083 (tỉ lệ 9,4%).

Theo ghi nhận ban đầu, học sinh không tham gia giữa kỳ chủ yếu  do đi cách ly, gặp trục trặc trong quá trình thi... và một số lý do khác. Phòng cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra bổ sung đối với học sinh chưa được kiểm tra giữa học kỳ 1, đồng thời, xây dựng kế hoạch ôn tập bổ sung kiến thức cho  học sinh  khi trở lại trường học tập trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ