Khao khát sinh tồn của đoàn thám hiểm Nam Cực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 1914, nhà thám hiểm Ernest Shackleton dẫn theo 27 thủy thủ đi tới Nam Cực nhưng con tàu của họ bị mắc kẹt giữa vùng băng trôi.

Đoàn thủy thủ chụp ảnh bên cạnh mũi tàu Endurance ở biển Weddell năm 1914.
Đoàn thủy thủ chụp ảnh bên cạnh mũi tàu Endurance ở biển Weddell năm 1914.

Năm 1914, nhà thám hiểm Ernest Shackleton dẫn theo 27 thủy thủ đi tới Nam Cực nhưng con tàu của họ bị mắc kẹt giữa vùng băng trôi. Trải qua đói khát, bệnh tật, tuyệt vọng, cuối cùng các thành viên đoàn đã sống sót trở về quê hương.

Con tàu bị bao vây

Ernest Shackleton và 27 thành viên thủy thủ đoàn đã lên con tàu HMS Endurance rời đảo Nam Georgia ở phía Nam Đại Tây Dương tới Nam Cực vào ngày 5/12/1914, cùng 69 con chó và một con mèo. Mục tiêu của đoàn thám hiểm là thiết lập một căn cứ trên bờ biển Weddell ở vùng Nam Cực.

Hai ngày sau khi rời Nam Georgia, tàu Endurance tiến vào vùng băng trôi, hàng rào băng dày bao quanh Nam Cực. Trong vài tuần sau đó, con tàu cố gắng luồn lách qua lớp băng để tiến về phía Nam. Tuy nhiên, tới ngày 18/1/1915, một cơn bão đã đẩy các tảng băng trôi về phía đất liền và khiến chúng nén chặt vào nhau. Cứ như vậy tàu Endurance đã bị kẹt cứng giữa các tảng băng ở biển Weddell.

Ông Thomas Orde-Lees, một thủy thủ tàu, miêu tả: “Đột nhiên chúng tôi không có đường tiến cũng không có đường lùi. Sức chịu đựng bị bủa vây. Con tàu đông cứng như một quả hạnh nhân ở giữa thanh socola”. Họ chỉ còn cách làm quen với tình hình và chờ đợi mùa Đông qua đi.

Alexander Macklin, một trong những bác sĩ trên con tàu, kể rằng, Ernest Shackleton “không hề nổi cơn thịnh nộ hay thể hiện ra bên ngoài sự thất vọng, dù là dấu hiệu nhỏ nhất. Ông ấy nói với chúng tôi một cách đơn giản và bình tĩnh rằng chúng tôi sẽ phải trú đông ở đây, giải thích những rủi ro và khả năng có thể xảy ra, cũng như không bao giờ đánh mất sự lạc quan”.

Trong khoảng thời gian đấu tranh giữa việc từ bỏ tàu và nhìn biển băng nhấn chìm Endurance, đoàn thủy thủ đã phải tận dụng đồ ăn dự trữ nhiều nhất có thể, đồng thời bỏ đi tất cả những gì có thể làm tăng trọng lượng hoặc tiêu tốn tài nguyên. Những cuốn kinh thánh, sách, quần áo, đồ dùng cá nhân, đồ kỷ niệm đều bị đem bỏ. Mèo và một số con chó nhỏ bị bắn trước sự đau xót của mọi người.

Sau một thời gian chờ đợi vô hiệu, đoàn thủy thủ quyết định đi bộ qua biển băng để về đất liền nhưng kế hoạch bị hủy bỏ sau khi họ chỉ có thể di chuyển 12 km trong 7 ngày. Ông Shackleton viết trong nhật ký: “Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi đành cắm trại trên lớp băng và kiên nhẫn chờ đến khi điều kiện trở nên thuận lợi hơn để tìm cách rời khỏi nơi này”.

Lớp băng từ từ trôi dần về phía Bắc và tới ngày 7/4/1916, đoàn thủy thủ có thể nhìn thấy những đỉnh núi phủ tuyết trắng của đảo Clarence và đảo Voi. Điều đó khiến họ tràn ngập hy vọng. “Tảng băng là người bạn tốt của chúng tôi nhưng nó đi đến điểm kết thúc. Băng có thể tan rã bất cứ lúc nào”, ông Shackleton viết trong nhật ký.

Ngày 9/4, những lời dự đoán của Shackleton đã trở thành hiện thực. Tảng băng phía trên họ đột nhiên tách ra, để lại vết nứt cực lớn. Shackleton đã ra lệnh phá trại và hạ những chiếc thuyền nhỏ được chuẩn bị sẵn xuống biển, bỏ lại con tàu Endurance.

Cuối cùng họ đã được giải phóng khỏi lớp băng dày và giờ “kẻ thù” mới là đại dương bao la. Những con thuyền nhỏ chao đảo giữa đại dương khiến những thủy thủ dũng cảm nhất cũng phải cuộn tròn người để chống chọi với sóng gió và những cơn say sóng.

Vượt lên khó khăn, thuyền trưởng Worsley đã chèo lái con thuyền vượt qua những cơn bão và sau 6 ngày lênh đênh, quần đảo Clarence và đảo Voi hiện ra trước mắt họ, đoán chừng cách 48 km. Những thủy thủ đoàn hoàn toàn kiệt sức. Riêng thuyền trưởng Worsley đã 80 tiếng không ngủ. Một số người khác tê liệt mọi giác quan vì say sóng trong khi nhiều người mắc bệnh kiết lỵ.

Frank Wild, chỉ huy thứ hai trong đoàn của Shackleton, cho biết “ít nhất một nửa số thủy thủ đoàn không còn tỉnh táo”. Tuy nhiên, họ quyết tâm chèo thuyền tiến về phía mục tiêu. Tới ngày 15/4, họ cuối cùng cũng đặt chân lên đảo Voi.

Các thủy thủ cố gắng phá lớp băng khiến tàu Endurance mắc kẹt ngoài khơi.

Các thủy thủ cố gắng phá lớp băng khiến tàu Endurance mắc kẹt ngoài khơi.

Đoàn thám hiểm hạ thủy thuyền James Caird để 6 thành viên đến trạm săn cá voi nhờ giúp đỡ.

Đoàn thám hiểm hạ thủy thuyền James Caird để 6 thành viên đến trạm săn cá voi nhờ giúp đỡ.

Lạc ngoài hoang đảo

Đó là lần đầu tiên đoàn người đặt chân lên mặt đất kể từ khi rời đảo Nam Georiga gần 500 ngày trước đó. Tuy nhiên, thử thách vẫn còn đợi họ ở phía trước. Khả năng có ai đó thấy và giải cứu họ ở đây là rất thấp, nên sau 9 ngày nghỉ ngơi và chuẩn bị, Shackleton, Worsley và 4 người khác đẩy chiếc thuyền cứu sinh James Caird ra khơi để tìm kiếm sự giúp đỡ từ một trạm săn cá voi ở Nam Georgia, cách đó gần 1.300 km.

Trong 16 ngày tiếp theo, họ phải chiến đấu chống lại những cơn sóng dữ, những cơn bão táp. Miêu tả lại những ngày tháng này, Shackleton viết: “Con thuyền lắc lư liên tục trên những con sóng lớn, dưới bầu trời xám xịt. Gió rít lên khi những cơn sóng muốn xé toạc con thuyền. Mỗi đợt nước biển dâng giống như một kẻ thù cần phải vượt qua”.

Ngay cả khi họ đã tiến vào rất gần bờ, sóng gió lại một lần nữa hất văng họ ra xa. Khi gió dịu đi, đoàn người mới có thể tiếp cận bờ. Tuy nhiên, mưa bão đã khiến con thuyền đi chệch hướng nên họ đã cập bến ở phía bên kia của hòn đảo. Nhóm người phải đi bộ 36 tiếng qua núi trên con đường chưa ai từng đặt chân tới để đến trạm săn cá voi.

Không từ gì có thể miêu tả cảm xúc của mọi người trong trạm săn cá voi khi nhìn thấy những người đàn ông lạ mặt đi ra từ hướng núi không có người ở. Tóc và râu của họ xơ xác, bết vào nhau.

Khuôn mặt họ đen sạm, nhăn nheo sau gần 2 năm sống trong căng thẳng và thiếu thốn đủ bề. Sau khi hội ngộ với 3 thành viên khác của nhóm, Shackleton chuyển sự chú ý sang giải cứu 22 người đàn ông còn lại trên đảo Voi. Tuy nhiên, cuộc giải cứu này được đánh giá là khó khăn và tốn thời gian nhất.

Con tàu giải cứu đầu tiên gần cạn nhiên liệu giữa đường khi nhóm của Shackleton đang cố gắng vượt qua những tảng băng trôi, buộc họ phải cập bến ở đảo Falkland, Nam Đại Tây Dương. Chính phủ Uruguay sau đó đã cử một tàu cứu hộ đến đảo Voi nhưng cũng bị cản trở bởi những tảng băng.

Trong khi đó trên đảo Voi, mỗi ngày, ông Frank Wild, người mà Shackleton giao nhiệm vụ quản lý nhóm, đều thông báo mọi người chuẩn bị sẵn sàng hành lý và động viên mọi người rằng “trưởng đoàn có thể trở về hôm nay”. Nhưng sau nhiều ngày tháng đợi chờ, hy vọng rồi lại tiếc nuối, các thủy thủ ngày càng thất vọng và nghi ngờ. Một số người từ bỏ niềm hi vọng được cứu.

Nhưng Shackleton không nghĩ vậy. Ông tiếp tục mua con tàu thứ 3, chiếc Yelcho được sản xuất từ Chile. Ngày 30/8/1916, hành trình gian khổ của đoàn thám hiểm Endurance kết thúc khi họ đón được đoàn thủy thủ trên đảo Voi.

Ngay khi con tàu xuất hiện phía xa, các thủy thủ đoàn lập tức phá trại, họ bỏ lại đảo Voi và trở về với cuộc sống trước đây. 20 tháng sau khi lên đường tới Nam Cực, toàn bộ thủy thủ đoàn Endurance đều còn sống và trở về nhà an toàn.

Ernest Shackleton (phải) và đồng đội Frank Hurley (trái) nấu ăn trước lều dựng tạm trên băng.

Ernest Shackleton (phải) và đồng đội Frank Hurley (trái) nấu ăn trước lều dựng tạm trên băng.

Thành viên đoàn thám hiểm dựng trại nấu ăn trên băng.

Thành viên đoàn thám hiểm dựng trại nấu ăn trên băng.

Tìm kiếm xác tàu Endurance

Trong quãng đời còn lại, Ernest Shackleton chưa bao giờ chạm tới Cực Nam hoặc băng qua Nam Cực như điều ông mong muốn. Về sau, ông quyết định thực hiện thêm một chuyến thám hiểm Nam Cực cùng một số đồng nghiệp cũ. Tuy nhiên, ngày 5/1/1922, Shackleton qua đời vì đau tim trên con tàu của ông ở đảo Nam Georgia, hưởng dương 47 tuổi.

Sau khi Shackleton qua đời, Frank Wild chỉ huy con tàu đến Nam Cực nhưng không thành công. Sau một tháng cố gắng thâm nhập mà vô ích, đoàn tàu đổi hướng đến đảo Voi. Đứng từ boong tàu, họ dùng ống nhòm ngắm nhìn lại nơi mà rất nhiều người trong số họ đã sống những ngày tháng trong sợ hãi xen lẫn hy vọng.

“Một lần nữa, tôi nhìn thấy những gương mặt cũ, những giọng nói cũ, những người bạn cũ ở khắp nơi. Nhưng tôi không thể diễn tả hết những gì mình cảm thấy”, bác sĩ Alexander Macklin chia sẻ.

Sau đó, họ quay về phía Bắc lần cuối và trở về nhà. Tuy nhiên, con tàu Endurance đã mãi mãi nằm lại dưới đáy đại dương ở Nam Cực. Trong hơn một thế kỷ sau đó, sự kiện Endurance vẫn là một trong những vụ đắm tàu khó nắm bắt nhất trong lịch sử hàng hải thế giới.

Đến năm 2022, một nhóm chuyên gia quốc tế gồm các nhà khảo cổ học, nhà thám hiểm và nhà khoa học đã hợp lực nghiên cứu, thăm dò và xác định được vị trí của tàu Endurance dưới đáy biển Weddell, cách vị trí ban đầu khi tàu chìm khoảng 6,4 km về phía Nam.

Ông John Shears, người đứng đầu dự án tìm kiếm Endurance22, cho biết: “Chúng tôi đã làm nên lịch sử vùng cực với việc phát hiện Endurance và hoàn thành công cuộc tìm kiếm xác tàu đắm gian nan nhất thế giới”.

Những bức ảnh được đoàn thám hiểm Endurance22 công bố cho thấy Endurance là con tàu 3 cột buồm, phần đuôi có tên “ENDURANCE” viết hoa và một ngôi sao năm cánh. Hình ảnh con tàu nhắc nhở hậu thế về sự dũng cảm và khả năng lãnh đạo của Ernest Shackleton khi quyết định từ bỏ con tàu và cứu đồng đội của mình.

Vào ngày 9/3/2022, các nhà khoa học thông báo rằng họ đã tìm thấy xác tàu Endurance của nhà thám hiểm huyền thoại người Ireland gốc Anh Ernest Shackleton dưới đáy biển sâu. Khoảng 100 năm trước, con tàu này bị đắm ở biển Weddell tại vùng Nam Cực.

Theo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.