Khánh Hòa nỗ lực phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

GD&TĐ - Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Khánh Hòa nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân.

Giờ ra chơi của các em học sinh Trường Tiểu học Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa
Giờ ra chơi của các em học sinh Trường Tiểu học Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa

Những kết quả tích cực

Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong những năm qua, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ, đẩy mạnh các giải pháp thiết thực, thực hiện hiệu quả các mục tiêu công tác này,

Sở GD&ĐT đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp ở địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ như: Huy động học sinh đến trường; nâng cao chất lượng dạy học; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Mạng lưới trường, lớp của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn tỉnh hiện đạt 93,9%. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học, bậc học cơ bản đáp ứng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Lớp dạy tập nói tiếng Việt cho các em học sinh người dân tộc thiểu số tại Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn). Ảnh: Báo Khánh Hòa
Lớp dạy tập nói tiếng Việt cho các em học sinh người dân tộc thiểu số tại Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn). Ảnh: Báo Khánh Hòa

Năm 2022, 9/9 đơn vị hành chính cấp huyện (kể cả huyện Trường Sa) đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Với công tác phổ cập giáo dục THCS, số đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn mức độ 1 là 1/9 (tỷ lệ 11,1%); mức độ 2: 8/9 (tỷ lệ 88,9%).

Toàn tỉnh có 139/139 đơn vị cấp xã và 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người dân từ 15 đến 60 tuổi biết chữ mức độ 1 chiếm 99,49%; mức độ 2 chiếm 97,75%.

Học sinh tiểu học ở huyện Khánh Vĩnh ngắm bầu trời qua thiết bị thiên văn trong chương trình khoa học trải nghiệm. Ảnh: TTXVN
Học sinh tiểu học ở huyện Khánh Vĩnh ngắm bầu trời qua thiết bị thiên văn trong chương trình khoa học trải nghiệm. Ảnh: TTXVN

Tuy có nhiều ưu điểm, song theo Sở GD&ĐT Khánh Hòa, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn còn gặp khó khăn.

Ở một số địa phương, cơ sở vật chất của một số trường học đã được bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ, một số trường có số học sinh/lớp đông ảnh hưởng phần nào đến chất lượng và kế hoạch phát triển giáo dục.

Ở một số xã đảo khó khăn, học sinh học xong chương trình tiểu học không có điều kiện vào đất liền học THCS, ảnh hưởng đến việc nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nên chưa thực sự quan tâm đến việc học tập cho con em, ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số học sinh trong trường học và các lớp phổ cập.

Củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn

Theo ông Võ Hoàn Hải, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, toàn tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.

Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; trong đó, cán bộ quản lý các nhà trường là lực lượng nòng cốt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Sở sẽ tăng cường nhận thức, tinh thần trách nhiệm, năng lực cho cán bộ quản lý cả về chuyên môn và quản lý nhằm có các sáng tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của các nhà trường;

Đồng thời, ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên theo dõi xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; sử dụng tốt phần mềm thống kê phổ cập giáo dục, xóa mù chữ do Bộ GD&ĐT triển khai.

Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục các nhà trường; thực hiện xã hội hóa giáo dục, tích cực huy động các nguồn lực chăm lo xây dựng, phát triển giáo dục.

Đoàn kiểm tra của Vụ Giáo dục và Thường xuyên, Bộ GD&ĐT làm việc tại Khánh Hòa về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, tháng 8/2023. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Đoàn kiểm tra của Vụ Giáo dục và Thường xuyên, Bộ GD&ĐT làm việc tại Khánh Hòa về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, tháng 8/2023. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Với nhà trường, Sở GD&ĐT tỉnh lưu ý việc thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình.

Nhà trường cần chủ động nghiên cứu đổi mới phương pháp, đổi mới đánh giá kết quả học tập và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường học sẽ nỗ lực giảm tỉ lệ lưu ban, bỏ học đến mức thấp nhất, đặc biệt là các học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.