Khánh Hòa: Gắn sinh kế của người dân vào phát triển nghề du lịch

GD&TĐ - Ban quản lý vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã phát triển nhiều nghề dịch vụ du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Nhiều sản phẩm tôm hùm, hải sản trên vịnh Nha Trang được khách yêu thích.
Nhiều sản phẩm tôm hùm, hải sản trên vịnh Nha Trang được khách yêu thích.

Vịnh Nha Trang là nơi có quần thể đa dạng sinh học cao, là nơi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội cho người dâ. Đặc biệt là phát triển du lịch. Trong thời gian qua, Ban quản lý khu bảo tồn biển Nha Trang đã triển khai rất nhiều hoạt động phát triển nghề du lịch cho người dân như: Chèo thuyền thúng đưa khách du lịch tham quan đảo, nghề thủ công mỹ nghệ từ vỏ sò, nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch...

Trong đó, Đảo Hòn Miễu, phường Vinh Nguyên TP Nha Trang là một hòn đảo nằm trong vịnh Nha Trang không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ với dòng biển xanh và bãi biển đẹp. Nơi đây, còn hút khách bởi mô hình tham quan điểm nuôi tôm hùm, hải sản bằng thuyền thúng độc lạ. Khi di chuyển thuyền thúng ra các lồng bè du khách được lựa chọn những loại hải sản tươi ngon và tự chế biến món ăn cho mình.

Đây là một thú vui ưa thích của du khách đã được Ban quản lý khu bảo tồn biển Nha Trang vận dụng khai thác, bằng cách vận động người dân chuyển đổi nghề sang lĩnh vực phục vụ khách du lịch.  

Nghề chèo thuyền thúng phục vụ du khách trên vịnh Nha Trang.
Nghề chèo thuyền thúng phục vụ du khách trên vịnh Nha Trang.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một người làm nghề chèo thuyền thúng đưa khách du lịch ra tham quan trên đảo Hòn Miễu cho biết: “Trên các bãi Hòn Miễu có rất nhiều thuyền thúng, thuyền thúng trước đây chỉ dùng để người nuôi hải sản di chuyển ra bè, nhưng nhờ có cách làm của Ban quản lý khu bảo tồn biển Nha Trang, ngư dân nuôi trồng hải sản đã sử dụng thuyền thúng trở thành phương tiện đưa đón khách du lịch đi thăm quan lồng bè nuôi tôm hùm, hản sản.... Một thuyền thúng chỉ chở được từ 4-6 người. Khách tới đây họ rất thích thú với thuyền thúng bởi sự lạ và cảm giác khá đặc biệt khi ngồi trên những chiếc thuyền này”.

Đến nay, trên đảo Hòn Miễu có hàng trăm thuyền thúng với hàng chục người chuyên làm nghề chèo thuyền phục vụ khách du lịch, nghề mới đã tạo thêm thu nhập cho ngư dân.

Ông Huỳnh Thái Bình, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết: Nhiều năm qua, Ban quản lý khu bảo tồn biển Nha Trang đã tập trung phát triển nghề truyền thống cho người dân địa phương, thành lập đội thuyền thúng phục vụ du khách tham quan du lịch; tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề du lịch cho con em các hộ bị ảnh hưởng bởi việc phân vùng khu bảo tồn biển; ngoài ra còn tận dụng được vị trí là vùng ven biển để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh việc phát triển nghề du lịch trên biển đảo, Ban quản lý vịnh Nha Trang còn phối hợp với các địa phương xây dựng dự án phát triển nghề sinh kế cho người dân quanh vùng. Trong đó, điểm nhấn là dự án phát triển sinh kế mành ốc là một trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang thuộc Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển đã được triển khai với tổng kinh phí 350 triệu đồng.

Toàn bộ kinh phí được giao cho Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang quản lý, làm nguồn vốn để phát triển nghề cho chị em học viên. Từ đó, các hộ dân đã sản xuất tạo ra hàng nghìn sản phẩm từ vỏ ốc, làm đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm kỷ vậy lưu niệm du lịch. Đây là một hoạt động thu hút nhu cầu mua sắm của khách tham quan, và đã tạo công ăn việc làm cho 50 hộ dân sống bên trong và quanh vịnh Nha Trang.

Ngoài ra, ông Huỳnh Thái Bình cho biết thêm, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và chính sách phù hợp, từ đó phát triển nghề và đào tạo việc làm, nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân quanh khu vực vịnh Nha Trang. Đặc biệt, chúng tôi sẽ quan tâm tới hoạt động xây dựng các công trình phúc lợi xã hội cho cộng đồng dân cư trên đảo, cần mở rộng các mô hình việc làm, đặc biệt là nghề du lịch để tăng thu nhập cho người dân. Qua đó từng bước giúp người dân thay đổi ngành nghề đánh bắt thủy sản ven bờ hiệu quả thấp bằng các nghề dịch vụ có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, kêu gọi hỗ trợ và sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế về các hoạt động bảo tồn biển, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong các hoạt động phát triển sinh kế, đặc biệt là nghề du lịch  cho cộng đồng sống trong khu bảo tồn biển.

Ông Huỳnh Thái Bình khẳng định: “Bảo vệ tài nguyên nhưng phải tạo các điều kiện thuận lợi phát triển sinh kế cho cộng đồng sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển bị ảnh hưởng bởi việc phân vùng bảo tồn”.

"Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.