Nhiều nguyên nhân
Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh được bày bán tràn lan. Không cần đơn, hay chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân và người nhà đều có thể tìm mua một dễ dàng tại các quầy thuốc.
Theo các bác sĩ, sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, không đúng phác đồ sẽ để lại nhiều tác dụng phụ cho người bệnh. Vì lạm dụng thuốc, vi khuẩn quen dần với kháng sinh, lâu dần có sức đề kháng, khiến cho thuốc không còn có tác dụng.
Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài còn ảnh hưởng tới nhóm vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa.
Chia sẻ vấn đề này, Phó Giáo sư, TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nhiều trẻ mắc bệnh, gặp khó khăn trong điều trị do bị kháng thuốc, vì trước đó gia đình đã tự ý cho uống các loại kháng sinh.
Có những bệnh trẻ có thể tự khỏi, không cần dùng thuốc. Vậy nên, khi có bệnh, người dân phải tới các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám và kê đơn thuốc. Nhà nước cũng cần quản lý chặt việc bán thuốc kháng sinh (cần phải có đơn của bác sĩ mới được bán).
Nêu ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra: Tình trạng kháng kháng sinh đến từ nhiều phía. Đó là hệ quả của việc thầy thuốc kê đơn chưa hợp lý, chỉ định sử dụng quá mức (phổ rộng, liều cao, kéo dài…) hoặc sử dụng không đủ liều.
Một nguyên nhân quan trọng khác là do người bệnh tự ý mua thuốc kháng sinh, dùng không đủ ngày, đủ liều… Bên cạnh đó, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, dược sỹ tự bán thuốc kháng sinh cho bệnh nhân cùng với những bất cập trong nhiễm trùng bệnh viện… cũng góp phần làm cho tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng.
Nâng cao hiểu biết cho người dân
Trước hiện tượng dùng kháng sinh một cách tràn lan, việc tuyên truyền cho người dân hiểu, sử dụng thuốc hiệu quả là điều hết sức cần thiết.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức “Lễ phát động cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”. Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 hiệu quả thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4. Hiện kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển của xã hội.
Mối đe dọa này khiến con người dễ quay về thời kỳ chưa có kháng sinh và không thể điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Để góp phần hạn chế tình trạng này, tiêu chí mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương luôn hướng đến là sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Hiện có nhiều bệnh lý như cảm lạnh, sốt do siêu vi, cảm cúm, sổ mũi, đau họng… sẽ có thể tự khỏi sau từ 5 - 7 ngày.
Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống và vận động hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ tại phòng khám. Bệnh sẽ tự khỏi mà có thể không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
Chia sẻ về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị tại bệnh viện, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cũng đưa ra ý kiến: Các bác sĩ cần chú trọng sử dụng kháng sinh đúng, trúng và giảm thời gian sử dụng thuốc.
Trong bệnh viện, các bác sĩ phải điều trị chuẩn theo đúng phác đồ. Cần mở các lớp tập huấn về sử dụng kháng sinh trong bệnh viện. Đồng thời, Ban chỉ đạo quản lý dược phải giám sát, hướng dẫn việc sử dụng kháng sinh hợp lý, đạt hiệu quả tốt nhất.
Để thực hiện có hiệu quả, Bệnh viện E đã triển khai chương trình quản lý kháng sinh trong điều trị, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Bệnh viện cũng đã cho ra mắt cuốn “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”. Đây chính là tài liệu bổ ích, thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các nhà quản lý cũng như bác sĩ trong quá trình thực hành lâm sàng, sử dụng kháng sinh trong điều trị cho bệnh nhân.
Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng ở tất cả các nhóm tuổi. WHO cũng dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000 tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thành lập nhóm kỹ thuật giám sát kháng thuốc năm 2017 - 2020. Nhóm này có nhiệm vụ đánh giá, giám sát về tình trạng kháng thuốc và đưa ra giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp.