Kháng nghị vụ đấu giá dự án Hòa Lân: Ai là người được lợi?

GD&TĐ - Doanh nghiệp cho rằng các bên liên quan đều “tâm phục, khẩu phục” với bản án của tòa nhưng Viện kiểm sát kháng nghị để đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên. Vậy các bên được lợi ở đây là ai?

Agribank đánh giá việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với dự án Hòa Lân gây ảnh hưởng xấu tới quá trình thu hồi nợ xấu của ngân hàng.
Agribank đánh giá việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với dự án Hòa Lân gây ảnh hưởng xấu tới quá trình thu hồi nợ xấu của ngân hàng.

Không kháng cáo nhưng có kháng nghị

Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã ra kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị hủy các bản án sơ – phúc thẩm trong vụ kiện “Hủy kết quả bán đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Công ty Sản xuất Thương mại Thiên Phú và bị đơn là Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn.

Theo kháng nghị, từ năm 2001-2007, Công ty Thiên Phú vay của Agribank chi nhánh Chợ Lớn 305 tỷ đồng và hơn 18.000 lượng vàng để thực hiện Dự án Hòa Lân (Thuận An, Bình Dương).

Tài sản thế chấp khoản vay là chính Dự án Hòa Lân có tổng diện tích hơn 490.000m2 gồm hơn 243.000m2 Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và hơn 246.000m2 Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.

Đến năm 2015, Công ty Thiên Phú không thể thực hiện dự án nên đồng ý cho Agribank Chợ Lớn đấu giá dự án để thu hồi nợ; Công ty Nam Sài Gòn là đơn vị tổ chức đấu giá.

Trải qua nhiều lần đấu giá bất thành, năm 2017, Công ty CP Xây dựng Đông Hải A (nay là Công ty Kim Oanh) trúng đấu giá với giá 1.353 tỷ đồng. Các bên công nhận kết quả này và các công ty Thiên Phú, Kim Oanh đã ký hợp đồng mua bán.

Năm 2017, Công ty Thiên Phú lại kiện ra TAND Quận 7 (TP.HCM), đề nghị tuyên hủy kết quả đấu giá và hợp đồng nói trên. Tòa án Quận 7 bác bỏ yêu cầu này nên Công ty Thiên Phú và những người liên quan kháng cáo.

Tuy nhiên, họ lại rút đơn kháng cáo trước phiên xử phúc thẩm nên TAND TP.HCM ra quyết định đình chỉ. Tháng 3/2021, tòa cấp phúc thẩm chỉ xét xử kháng cáo của Agribank Chợ Lớn về phần lãi vay.

Ngày 22/6, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ra kháng nghị cho rằng, cấp sơ thẩm không làm rõ những vi phạm của Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn, Phòng công chứng Phố Mới… Cấp phúc thẩm cũng bỏ qua việc này và thậm chí còn tính sai số tiền lãi Công ty Thiên Phú phải trả Agribank.

Do đó, Viện kiểm sát kháng nghị, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xử Giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản án sơ – phúc thẩm trong vụ. Viện kiểm sát cũng quyết định đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm trong vụ cho đến khi có quyết định Giám đốc thẩm.

Tạp chí nộp yêu cầu kháng nghị?

Công ty Kim Oanh – đơn vị trúng đấu giá và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – đã gửi văn bản, đề nghị Viện KSND cấp cao tại TP.HCM rút kháng nghị nêu trên. Doanh nghiệp này cho rằng quyết định kháng nghị không phù hợp với hồ sơ vụ án và quyết định liên quan; việc tạm hoãn thi hành án khiến thủ tục xin làm chủ đầu tư dự án Hòa Lân của Công ty bị đình trệ, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cũng theo Công ty Kim Oanh, trong vụ án này, tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam không phải đương sự, không liên quan nhưng lại là đơn vị nộp yêu cầu kháng nghị trong khi các đương sự khác không có ý kiến gì, họ thậm chí còn rút kháng cáo.

Tạp chí Kinh tế Chứng khoán được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 21/2/2020 nhưng trong ngày đầu tiên hoạt động đã có bài viết về vụ đấu giá đất dự án Hòa Lân. Công ty Kinh Oanh đánh giá, bài viết này hết sức tiêu cực, không chính xác. Do đó, Công ty Kim Oanh cho rằng có cơ sở đặt nghi vấn về tính trung thực và việc dùng lợi ích chi phối tạp chí Kinh tế Chứng khoán.

Công ty Kinh Oanh cũng phản đối nội dung của kháng nghị khi cho rằng có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan việc Agribank cho Công ty Thiên Phú vay tiền. Doanh nghiệp này nêu ý kiến, việc cho vay này được Thanh tra Chính phủ kết luận năm 2013 và đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào ra quyết định khởi tố nên rõ ràng không có dấu hiệu hình sự.

Kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng nêu, Công ty Thiên Phú có vi phạm khi thế chấp quyền sử dụng đất mà Nhà nước không thu tiền sử dụng đất. Công ty Kim Oanh phản đối quan điểm này, khẳng định Agribank hoàn toàn có cơ sở nhận trước và giữ các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hơn 246.000m2 Nhà nước giao không thu tiền tại dự án Hòa Lân.

Nếu Agribank không giữ giấy tờ này, việc tổ chức đấu giá sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư và có khả năng sau khi đấu giá, Công ty Thiên Phú sẽ không giao hơn 246.000m2 đất khiến tình hình trở lên rất phức tạp.

Ai lợi, ai hại?

Công ty Kim Oanh cũng phản đối ý kiến tại kháng nghị khi cho rằng, khi tổ chức đấu giá đã sử dụng chứng thư hết hạn; vi phạm nguyên tắc thẩm định giá tài sản đấu giá. Lý do, Agribank giảm giá khởi điểm dựa trên giá khởi điểm của các lần đấu giá trước (không có đơn vị tham gia đấu giá), không dựa vào giá thẩm định.

Đồng thời, Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc và không kết luận việc bán đấu giá dự án Hòa Lân có gây thiệt hại cho Nhà nước hay Công ty Thiên Phú; không kết luận việc định giá có sai phạm hay không…

Kháng nghị Giám đốc thẩm cũng không cung cấp được căn cứ thể hiện Công ty Nam Sài Gòn có hành vi khiến cho việc tổ chức đấu giá thiếu khách quan và nếu thiếu khách quan sẽ có lợi cho ai? Ai bị thiệt hại?

Về việc kháng nghị nêu có vi phạm trong việc cho Công ty Kim Oanh chậm thanh toán, doanh nghiệp này khẳng định đến tháng 5/2019 đã thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá và tiền lãi chậm trả theo đúng thỏa thuận với Agribank. Việc chậm thanh toán có sự chấp thuận của Agribank và đây không phải trường hợp phải hủy kết quả đấu giá theo Điều 72, Luật Đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, diện tích dự án sau khi đo đạc thực tế bị thiếu mất hơn 8.400m2 nhưng Công ty Kim Oanh vẫn thanh toán đầy đủ cho Agribank nên ngân hàng này không bị ảnh hưởng vì thiếu hụt diện tích.

Cũng theo Công ty Kim Oanh, các bên liên quan trong vụ án đã “tâm phục, khẩu phục” trước bản án sơ – phúc thẩm. Doanh nghiệp này không hiểu kháng nghị đề nghị hủy 2 bản án để “đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên” là những bên nào?

Với những phân tích cơ bản như trên, Công ty Kim Oanh đề nghị Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định rút toàn bộ kháng nghị Giám đốc thẩm để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp này. 

Năm 2019, khi TAND Quận 7 thụ lý vụ kiện, Agribank đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bán đấu giá tài sản dự án khu dân cư Hòa Lân. Đơn vị này khẳng định: “Công ty Kim Oanh đã thanh toán đủ tiền mua tài sản đấu giá. Việc tòa thụ lý vụ kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá dự án Hòa Lân, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với dự án Hòa Lân là đi ngược với tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng’ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá là Công ty Kim Oanh cũng như quá trình thu hồi nợ xấu của Agribank”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.