Phúc thẩm vụ Agribank Chi nhánh Bến Thành: Bị kết án chung thân, nữ giám đốc kêu oan

GD&TĐ - Bị khép tội chiếm đoạt của Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) hơn 47 tỷ đồng, nhưng tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh

Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh tại tòa ngày 5/4.
Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh tại tòa ngày 5/4.

Bị khép tội chiếm đoạt của Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) hơn 47 tỷ đồng, nhưng tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (cựu Giám đốc Agribank Chi nhánh Bến Thành) cho rằng mình bị oan.

Nhiều bị cáo kêu oan

Theo đó, ngày 5/4, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên xử phúc thẩm  vụ Nguyễn Thị Hoàng Oanh (cựu Giám đốc Agribank Bến Thành) cùng các đồng phạm tham ô, nhận hối lộ và vi phạm quy định cho vay. Phiên tòa được mở do sau khi xử sơ thẩm, bà Oanh cùng một số bị cáo kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt.

Phiên tòa được mở sau hơn 4 năm, bị cáo Oanh bị TAND TPHCM tuyên phạt tù chung thân về các tội “tham ô tài sản”, “nhận hối lộ”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Lê Văn Tính (Giám đốc Công ty Kim Gia Thuận, Kim Gia Thảo) bị kết án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đưa hối lộ”. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Oanh và 4 bị cáo kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt. Sau đó một bị cáo đã rút toàn bộ kháng cáo.

Tại phiên xử ngày 5/4, bà Oanh nhiều lần nói không tham ô, không nhận hối lộ. Bị cáo khai giữa mình và Tính chỉ có mối quan hệ khách hàng – ngân hàng. Sau khi thỏa thuận thì bà đồng ý cho Tính vay vàng và trả bằng tiền. Trường hợp giá vàng tăng thì Tính phải chịu và giá vàng giảm bị cáo phải chịu trách nhiệm.

Do sự biến động về giá nên Oanh hưởng tiền chênh lệch. Bị cáo cũng cho rằng không nhận tiền của Tính, số tiền trong vụ án là “do cơ quan điều tra tự quy buộc, không đúng thực tế”. Việc vay vàng và trả tiền là sự thỏa thuận của Tính và Oanh, không có việc đưa, nhận hối lộ.

Mặt khác, bà Oanh thừa nhận quá trình làm việc tại ngân hàng có một số sai sót trong hoạt động cho vay dẫn đến tài sản của ngân hàng bị thất thoát. Do đó, bà đề nghị phát mãi căn nhà trên đường Trần Quang Khải để khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, tại tòa một số bị cáo là cựu nhân viên ngân hàng cũng kêu oan về cáo buộc đồng phạm giúp sức cho bà Oanh tham ô. Đồng thời, bị cáo Tính cũng kêu oan, cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn bộ nội dung vụ án. “Công ty của bị cáo vay tiền đúng quy định, không có hành vi gian dối nên không phạm tội lừa đảo. Giao dịch vay vàng và trả tiền là sự thỏa thuận của bị cáo và bị cáo Oanh chứ không có việc đưa, nhận hối lộ” - bị cáo Tính trình bày.

Các bị cáo còn lại trong vụ án đề nghị HĐXX xem xét vai trò, hoàn cảnh phạm tội để giảm nhẹ hình phạt đối với tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đối với cáo buộc đồng phạm giúp sức cho bị cáo Oanh tham ô tài sản thì các bị cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội này. Dự kiến phiên tòa kéo dài tới ngày 9/4.

Lập hồ sơ “ảo” chiếm đoạt hơn 47 tỷ đồng

Theo kết quả điều tra, từ khi được bổ nhiệm làm Giám đốc năm 2008, Oanh đã câu kết với em rể là Trương Thế Thanh (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh Agribank Bến Thành) thực hiện hàng loạt sai phạm để chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Cụ thể, bị cáo Oanh đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập khống các hồ sơ vay tiền, vàng của ngân hàng để chiếm đoạt với tổng trị giá là 26.600 chỉ vàng SJC (tương đương hơn 47 tỷ đồng) của Agribank Bến Thành. Bị cáo Oanh dùng số tiền này để mua nhà tại đường Trần Quang Khải, Q.1, TPHCM, rồi dùng chính căn nhà này cho ngân hàng thuê làm trụ sở với giá 5.800 USD/tháng.

Khi đến hạn phải trả số vàng đã vay, bị cáo Oanh tiếp tục chỉ đạo Thanh và cấp dưới dùng Công ty TNHH Liên Lục Địa cùng tên một số cá nhân, doanh nghiệp khác để lập các hợp đồng vay tiền, vàng của Agribank Bến Thành nhằm mục đích đảo nợ.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, bị báo Oanh cho rằng đã sử dụng cá nhân hết số tiền chiếm đoạt của ngân hàng mà không chia cho bất cứ người nào. Đến thời điểm bị bắt, tổng số nợ gồm cả lãi và gốc mà Oanh nợ Agribank Bến Thành là hơn 34 tỷ đồng.

Trước đó, ở phiên xử sơ thẩm, TAND TPHCM nhận định bị cáo Oanh để xảy ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, là chủ mưu, cầm đầu, lẽ ra cần có mức hình phạt nghiêm khắc nhất như Viện KSND TPHCM đề nghị (tử hình) nhưng hậu quả thiệt hại đều đã được khắc phục.

Bởi phần lớn số vàng chiếm đoạt được Oanh sử dụng để mua căn nhà 225B-C Trần Quang Khải, quá trình đảo nợ đã đưa vào thế chấp tại Agribank Bến Thành cùng nhiều tài sản là bất động sản của cá nhân và gia đình bị cáo.

Đồng thời, số tiền xác định Oanh nhận hối lộ 24,6 tỷ đồng, phần lớn bị cáo sử dụng để đảo nợ cũng như trả lãi cho Agribank. Ngoài ra, bị cáo thành khẩn khai báo, có thời gian dài phục vụ, đóng góp trong ngành ngân hàng…

Từ đó, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Oanh tù chung thân về tội tham ô tài sản, chung thân về tội nhận hối lộ, 12 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là chung thân. Bị cáo Tính bị phạt tù chung thân về tội lừa đảo, 16 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt là chung thân…

Tại phiên xử sơ thẩm, khi nói lời sau cùng bị cáo Oanh bày tỏ: “Giờ bị cáo đã già, mong HĐXX giúp để được hiến xác cho y học sau khi thi hành án. Bị cáo mong gia đình chấp nhận và thấu hiểu quyết định này”.

Trong khi đó, Viện KSND TPHCM lại có kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Oanh từ chung thân lên tử hình. Phía cơ quan công tố cho rằng nhận định của tòa về hậu quả thiệt hại do Oanh cùng các đồng phạm gây ra trong tội tham ô phần lớn đã được khắc phục là không có căn cứ.

Phiên tòa dự kiến kéo dài tới 9/4.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.