Bị cáo này sau đó nhận hơn 1,7 tỷ đồng nhưng không dùng để xử lý nợ mà chi tiêu cá nhân hết.
Lừa rút “sổ đỏ”
Ngày 14/6, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Lê Tuấn (SN 1981, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) án 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt 5 năm tù trong một vụ án khác bằng 17 năm tù.
Theo cáo trạng, ông Đỗ Quang Nam (SN 1954) có thế chấp một thửa đất rộng hơn 8.800m2 tại huyện Chương Mỹ để vay Ngân hàng Nông nghiệp Agribank hơn 27 tỷ đồng. Đến năm 2015, dư nợ khoản vay còn hơn 19 tỷ đồng nhưng ông Nam không có khả năng thanh toán nên Agribank xác định đây là nợ xấu và bán khoản nợ này cho Công ty Quản lý tài sản VAMC.
Tuấn vốn là nhân viên Ngân hàng Agribank tại Lạng Sơn nhưng năm 2017 đã chấm dứt hợp đồng lao động. Ông Đỗ Quang Nam quen Tuấn trong một lần đi lễ tại Vĩnh Phúc. Năm 2018, ông nhờ bị cáo này giải quyết khoản nợ của mình.
Dù không có khả năng nhưng Tuấn đồng ý, cam kết rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong 3 tháng và yêu cầu ông phải chi 6 tỷ đồng, đưa trước một phần.
Để ông Nam tin tưởng, Tuấn còn lấy một thẻ ngành, giới thiệu mình công tác tại Hội sở Agribank trên phố Láng Hạ (Hà Nội). Do vậy, ông Nam đã nhiều lần chuyển cho bị cáo hơn 1,7 tỷ đồng.
Để có tiền chuyển cho Tuấn, bà Nguyễn Thị Bích Cầm (SN 1966) cho ông Nam vay. Vì vậy, mỗi khi ông Nam giao tiền cho Tuấn đều có sự chứng kiến của bà Cầm hoặc nhân viên của bà.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Tuấn không thực hiện xử lý nợ mà chi tiêu cá nhân hết. Đến tháng 9/2018, Agribank mua lại khoản nợ của ông Nam từ VAMC. Ông Nam đòi tiền nhưng Tuấn và gia đình chỉ trả 500 triệu đồng, còn chiếm đoạt 1,22 tỷ đồng.
Tại tòa, Lê Tuấn khai sau khi nhận tiền của ông Nam đã đi làm việc với VAMC, UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chương Mỹ để lấy lại “sổ đỏ” cho ông.
Về số “tiền tỷ” đã nhận, Tuấn khai dùng để quan hệ, ăn uống, xăng xe… Bị cáo khẳng định được ông Nam nhờ vì bản thân có kinh nghiệm, từng giúp một số người xử lý thành công những khoản nợ xấu tương tự. Bị cáo nói: “Bà Cầm làm ăn, là khách hàng lớn nên quen cả giám đốc ngân hàng nhưng không nhờ, lại nhờ bị cáo vì bị cáo có khả năng”.
Gian dối, coi thường pháp luật
Cũng theo Tuấn, Sở TN&MT TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất của ông Nam; văn bản này được Tuấn trao cho bà Cầm bản gốc, chỉ giữ lại bản ảnh trên máy tính cá nhân. Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu Tuấn đưa ra các văn bản thể hiện có giúp ông Nam làm việc với cơ quan chức năng.
Bị cáo này cho rằng mình làm việc qua email, buộc chủ tọa chấn chỉnh: “Cơ quan Nhà nước nhận hồ sơ phải có biên nhận, không làm việc qua email”. Về việc này, luật sư của Tuấn đề nghị hoãn phiên tòa để bị cáo có thể thu thập thêm tài liệu chứng minh mình vô tội và cũng thêm thời gian thu xếp, trả lại tiền cho bị hại.
Có mặt trong vai trò người liên quan, bà Cầm phủ nhận việc Tuấn đưa văn bản của Sở TN&MT cho mình. Bà nói cho ông Nam vay tiền để “chạy” khoản nợ xấu nên chủ tọa đặt câu hỏi: “Bà làm việc với ngân hàng nhiều vậy có thấy ai đi cửa sau mà thành công không?”. Bà Cầm đáp: “Tôi chỉ cho anh Nam vay tiền còn được hay không, anh Nam nói chuyện với Tuấn”.
Người phụ nữ giải thích, bà cho vay nhằm giúp ông Nam thu hồi đất để ông có một khoản dưỡng già. Bà nói: “Tôi có nói nhiều lần với Tuấn là em làm được thì làm, không phải bảo anh Nam vì anh ấy quá khổ rồi, đừng để khổ thêm. Nếu Tuấn có thể trả tiền, tôi mong tòa giảm nhẹ án cho Tuấn”.
Trong phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Tuấn gian dối nhận mình là nhân viên Agribank nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Kiểm sát viên nói thêm, các cơ quan như UBND, Sở TN&MT TP Hà Nội; Công ty VAMC… đều có văn bản khẳng định chưa từng có ai đến làm việc về khu đất của ông Nam.
Năm 2020, bị cáo Tuấn còn bị phạt 5 năm tù cũng về hành vi lừa đảo trong một vụ án khác, việc này không phải tiền án nhưng thể hiện Tuấn có ý thức coi thường pháp luật, có mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác.
Kết thúc tranh luận, Lê Tuấn nói lời sau cùng: “Nghề của bị cáo có nhiều rủi do. Nhưng mong những người như bà Cầm nói gì cũng nói cho thực. Đừng để lúc bị cáo ra tù đi tìm bà trả tiền lại không biết bà ở đâu”.
Sau nghị án, HĐXX khẳng định Lê Tuấn đã tự nhận giải quyết được khoản nợ xấu của ông Nam để chiếm đoạt tiền; truy tố của viện kiểm sát là đúng, không oan nên bị cáo phải nhận 12 năm tù trong vụ án này đồng thời phải trả số tiền còn thiếu cho ông Nam.