Khẳng định vị thế

GD&TĐ - Sẽ có 210 cơ sở giáo dục trên cả nước tham gia khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2022 ở các lĩnh vực Toán học, Khoa học và Đọc hiểu của học sinh tuổi 15, diễn ra từ ngày 13 - 29/4.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là lần thứ 4 Việt Nam tham gia vào “sân chơi” quốc tế này.

PISA là Chương trình đánh giá học sinh quốc tế  do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, chỉ đạo; có chu kỳ 3 năm 1 lần trên quy mô toàn cầu với yêu cầu kỹ thuật cao và nghiêm ngặt. Được thực hiện từ năm 2000, PISA hướng vào việc đo lường, kiểm tra mức độ chuẩn bị để đáp ứng với các thách thức cuộc sống sau này của học sinh ở độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc.

Với mục tiêu chung này, PISA xem xét, đánh giá các mức độ năng lực học sinh độ tuổi 15 đạt được ở các lĩnh vực Đọc hiểu, Toán học, Khoa học; đồng thời nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách và điều kiện giảng dạy - học tập đến kết quả học tập của học sinh.

Cho tới nay, đây là khảo sát giáo dục duy nhất chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở tuổi 15, độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. Với tính khách quan, chất lượng, độ tin cậy cao, chương trình này ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới; trở thành căn cứ tin cậy giúp các nước tham gia cải thiện chính sách và chất lượng giáo dục.

Chu kỳ PISA 2012 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tham gia “sân chơi” này. Dù khi đó là nước có chỉ số GDP thấp nhất trong các quốc gia tham gia, nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm với mục đích rất rõ ràng là hội nhập quốc tế về giáo dục, để biết mình đang ở đâu so với giáo dục quốc tế; đổi mới về kỹ thuật, phương pháp đánh giá; sử dụng PISA để soi lại cách dạy và học, xem đã thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục...

Tham gia PISA, Việt Nam cũng được OECD đưa ra kết quả phân tích, đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi; từ đó góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT... Năm đó, học sinh Việt Nam đã gây bất ngờ cho toàn thế giới với kết quả các năng lực Toán học, Đọc hiểu, Khoa học đều cao hơn chuẩn năng lực của OECD. Đặc biệt, lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đứng thứ 8/65 – tốp 10 trong bảng xếp hạng các nước trên thế giới tham gia kỳ thi PISA 2012.

Hai lần tham gia tiếp theo, Việt Nam đều có kết quả đáng khích lệ. Ở chu kỳ 2015, Việt Nam xếp thứ 8 trên tổng số 72 nước tham gia đánh giá (lĩnh vực Khoa học đứng thứ 8, lĩnh vực Toán học đứng thứ 22, lĩnh vực Đọc hiểu đứng thứ 32). Chu kỳ 2018, trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia PISA, Việt Nam đứng thứ 13 ở lĩnh vực Đọc hiểu; thứ 24 ở lĩnh vực Toán học và thứ 4 ở lĩnh vực Khoa học. Ở chu kỳ 2018, thế mạnh của học sinh Việt Nam bước đầu được tìm thấy trong báo cáo của PISA là tinh thần thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Ngày 25/3, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn gửi giám đốc các sở GD&ĐT về tổ chức khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2022. Tham gia đợt khảo sát này, trong số 210 cơ sở giáo dục có 92 trường của 24 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, 57 trường của 19 tỉnh/thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và 61 trường của 19 tỉnh/thành phố khu vực miền Nam.

Dù trong điều kiện dịch bệnh, nhưng các trường được tham gia PISA đều đánh giá cao cơ hội này, đồng thời nghiêm túc chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức triển khai khảo sát khách quan, chất lượng. Với những nỗ lực và kết quả đạt được từ 3 chu kỳ PISA trước đây, hy vọng học sinh Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế của giáo dục phổ thông Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.