(GD&TĐ)- Trong 3 ngày từ 12,13,14/4 , lần đầu tiên sẽ có 5.100 học sinh ở 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia khảo sát chính thức PISA năm 2012.
Đây là chương trình đánh giá học sinh quốc tế được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức 3 năm một lần nhằm kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15 giữa các nước trong khối OECD và các nước khác trên thế giới.
Ảnh minh họa |
Tham gia khảo sát PISA là các học sinh sinh năm 1996, chủ yếu đang học lớp 10 THPT chính quy, một số khác là trường nghề, trường THCS, trung tâm GDTX đã được OECD chọn mẫu khảo sát trên toàn quốc.
Có 4 tỉnh, thành phố không có trường rơi vào mẫu khảo sát là Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn và Cần Thơ.
Để chuẩn bị cho PISA 2012, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo hướng dẫn của OECD; năng lực của đội ngũ chuyên gia Việt Nam được OECD đánh giá cao.
Năm 2011, Việt Nam đã tổ chức cho 1.400 học sinh của 40 trường ở 9 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tham gia khảo sát thử nghiệm PISA và đã cho những kết quả rất khả quan.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: tham gia PISA là một bước tiến tích cực trong việc hội nhập quốc tế về giáo dục của Việt Nam. Những dữ liệu thu thập được (ở quy mô lớn, độ tin cậy cao) từ PISA sẽ giúp Việt Nam có cơ sở để so sánh “mặt bằng” giáo dục quốc gia với quốc tế nhằm biết được những điểm mạnh, điểm yếu của nền giáo dục nước nhà.
Dựa trên kết quả PISA, OECD đưa ra kết quả phân tích và đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục cho các quốc gia. Những kết quả, đề xuất này sẽ góp phần chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Mặt khác, kết quả PISA sẽ gợi ý cho chúng ta đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy – học.
Bá Hải