Qatar dự kiến đón hơn 1,2 triệu người hâm mộ bóng đá sẽ tới dự World Cup 2022 diễn ra từ 20/11 đến 18/12. Để đảm bảo an ninh, Qatar thành lập Trung tâm Chỉ huy và Điều khiển Aspire tại thủ đô Doha.
Hơn 100 kỹ thuật viên sẽ thay nhau làm việc suốt ngày đêm để giám sát chặt chẽ hình ảnh từ 22.000 camera an ninh trải khắp 8 sân vận động World Cup.
Nhân viên làm việc tại Trung tâm Chỉ huy và Điều khiển Aspire cho giải bóng đá thế giới World Cup 2022. Ảnh: AFP. |
Với hệ thống camera và khả năng phân tích của AI, trung tâm này sẽ cảnh báo quy mô đám đông, vận hành các cổng ra vào, đảm bảo nguồn nước và hệ thống điều hòa không khí trên sân vận động hoạt động hiệu quả.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ cho phép các kỹ thuật viên xem cận cảnh từng vị trí trong số 80.000 chỗ ngồi tại sân vận động Lusail, nơi tổ chức 10 trận đấu, bao gồm cả trận chung kết.
Các chuyên gia từ an ninh mạng đến chống khủng bố cũng làm việc tại Trung tâm Chỉ huy và Điều khiển Aspire, cùng các quan chức Qatar và FIFA.
Camera an ninh ở tất cả khu vực của sân vận động sẽ đảm bảo kiểm soát viên có thể kiểm tra hoạt động của từng địa điểm trước, trong và sau mỗi trận đấu. Các nhà tổ chức nói rằng, lần đầu tiên khái niệm "sân vận động kết nối" được sử dụng trong một kỳ World Cup.
“Chỉ với một cú nhấp chuột, bạn có thể chuyển từ sân vận động này sang sân vận động khác, nhằm quản lý an ninh, cơ sở vật chất, an toàn sức khỏe và đảm bảo các hoạt động công nghệ thông tin và truyền thông. Mọi thứ được tích hợp thông qua nền tảng tập trung”, ông Hamad Ahmed al-Mohannadi - Giám đốc trung tâm, cho biết.
Công nghệ AI sẽ cho phép các kỹ thuật viên dự đoán sự gia tăng của đám đông và nhanh chóng giải quyết tình trạng quá tải bằng cách chia sẻ thông tin với các quan chức an ninh.
Một camera an ninh tại Sân vận động Al Bayt ở Doha. Ảnh: AFP. |
Mục đích lắp đặt hệ thống camera an ninh là tránh những sự cố hỗn loạn trong và ngoài sân vận động.
Hồi tháng 5, bên ngoài sân Stade de France ở Paris, cảnh sát phải sử dụng hơi cay để kiểm soát đám đông đang chen chúc, cố gắng vào xem trận chung kết Champions League giữa Liverpool và Real Madrid. Vào đầu tháng 10, hơn 130 người đã thiệt mạng trong một đám đông hỗn loạn tại sân vận động ở ở thành phố Malang, Indonesia.
Nhóm kỹ thuật của trung tâm Aspire nói rằng, việc tổng hợp dữ liệu cho phép họ dự báo các mô hình đám đông. Vì biết chính xác số lượng người dự kiến dựa trên doanh số bán vé, nhóm có thể dự đoán và cảnh báo thời điểm đám đông tăng đột biến.
“Bên cạnh đội kiểm soát đám đông và nhân viên an ninh tại chỗ, còn có cơ quan thực thi pháp luật. Chúng tôi cố gắng bổ sung dữ liệu để các bên đưa ra quyết định chính xác”, Niyas Abdulrahiman - Giám đốc công nghệ của trung tâm, cho biết.
Với sự trợ giúp của AI, trung tâm có thể xác định số người trong một không gian cụ thể và áp dụng ngưỡng an toàn. Nếu có hơn 100 người trong một khu vực, kỹ thuật viên có thể xác định các nút thắt cổ chai nguy hiểm, kiểm tra hoạt động các cổng vào sân vận động và đảm bảo dòng người ra vào suôn sẻ.
Tất cả các sân vận động phục vụ World Cup 2022 đều trang bị hệ thống điều hòa. Nếu có sự chênh lệch nhiệt độ bên trong mỗi địa điểm, các cảm biến từ trung tâm chỉ huy có thể thu thập dữ liệu và nhắc nhở điều chỉnh.
Hệ thống điều hòa được lắp đặt tại sân vận động Al Janoub. Ảnh: Andy Commins. |
Al Mohannadi nói: “Thông qua trung tâm này, nền tảng tập trung cho chúng tôi cơ hội phản ứng nhanh, hiệu suất cao hơn mà không đòi hỏi nhiều nhân lực”.
Giám đốc Al Mohannadi không lo lắng trước các mối đe dọa an ninh mạng. Ông cho biết hệ thống được thiết kế để chống lại những lỗ hổng.
“Rõ ràng, tất cả điều này phụ thuộc vào an ninh mạng và khả năng chống lại mọi mối đe dọa từ bên ngoài hoặc bên trong của hệ thống. Chúng tôi đảm bảo các hệ thống được bảo mật và thường xuyên kiểm tra ngay từ bây giờ để chắc chắn trong thời gian diễn ra World Cup không có sự cố an ninh mạng nào xảy ra”.