Khám phá những điểm đặc sắc nhất của du lịch Vĩnh Long

GD&TĐ - Nằm ở vị trí khá đặc biệt giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long sở hữu lợi thế địa lý và tài nguyên nhân văn rất phong phú.

Huyện Mang Thít là nơi sản xuất gạch, gốm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nam Sơn.
Huyện Mang Thít là nơi sản xuất gạch, gốm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nam Sơn.

Vai trò của làng nghề truyền thống

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, tỉnh hiện có gần 100 làng có nghề và làng nghề đang hoạt động, trong đó, có 28 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận.

Rất nhiều làng nghề nổi tiếng ở Vĩnh Long được đông đảo du khách biết đến như: Làng nghề bánh tráng cù lao Mây (huyện Trà Ôn), làng nghề tàu hủ ky (thị xã Bình Minh), làng nghề đan thảm lục bình (huyện Tam Bình), làng nghề trồng lác và chế biến sản phẩm từ cây lác (huyện Vũng Liêm), làng nghề sản xuất gạch, gốm mỹ nghệ (huyện Long Hồ, Mang Thít), làng mai Phước Định (huyện Long Hồ)…

Chính những làng nghề truyền thống và các sản phẩm du lịch đặc thù của Vĩnh Long đã góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi du lịch của địa phương sau giai đoạn Covid-19. Năm 2023, tổng lượt khách đến Vĩnh Long trong quý I ước đạt 413.135 lượt (tăng 262% so với cùng kỳ). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 6.853 lượt, doanh thu đạt 206.2 tỷ đồng (tăng 259% so với cùng kỳ).

Theo ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, với lợi thế tiềm năng du lịch homestay, du lịch sinh thái sông nước, du lịch làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa, Vĩnh Long đang dần khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Mai vàng tại Làng mai Phước Định. Ảnh: Nam Sơn.
Mai vàng tại Làng mai Phước Định. Ảnh: Nam Sơn.

Du lịch Vĩnh Long hướng đến mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2025, tăng trung bình 9%/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 lượng khách tăng trung bình tăng 10%/năm, doanh thu tăng bình quân 30%/năm.

Sản phẩm trọng điểm: “Vương quốc gạch, gốm” Mang Thít

Ngành du lịch Vĩnh Long hiện cũng tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án của UBND tỉnh phê duyệt là Du lịch homestay, Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Làng nghề, Du lịch Văn hóa.

Tỉnh đẩy mạnh quá trình xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng cù lao (cù lao An Bình, cù lao Mây, cù lao Dài), bổ sung các sản phẩm gắn liền với các dịch vụ giúp tăng nguồn thu từ du lịch như mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật như sản phẩm “Về Vĩnh Long xem hát bội”, nghệ thuật đờn ca tài tử…

Du lịch Vĩnh Long cũng tập trung vào sản phẩm: Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhất là sản phẩm trọng điểm: “Vương quốc gạch, gốm” ở huyện Mang Thít.

Huyện Mang Thít từng được mệnh danh là "Vương quốc gạch, gốm" bởi đây là nơi sản xuất gạch, gốm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như một “vương quốc” với hàng trăm "tòa lâu đài" nhỏ được bố trí dọc theo tuyến Kênh Thầy Cai và tỏa ra các vùng phụ cận tạo nên một bức tranh đa sắc màu tại vùng quê mộc mạc, yên bình.

Một góc làng nghề sản xuất gạch, gốm huyện Mang Thít. Ảnh: Nam Sơn.

Một góc làng nghề sản xuất gạch, gốm huyện Mang Thít. Ảnh: Nam Sơn.

Tiến sĩ Tạ Duy Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, chia sẻ: “Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít là di sản mang tính đương đại. Đây chính là kho báu của một di sản về phương thức sản xuất và công cụ sản xuất có sự kết hợp giao thoa văn hóa của người Khmer, người Hoa, người Việt.

Tất cả hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ.

Mật độ của hệ thống lò gạch này đủ đầy để tạo nên dấu ấn cũng như bản sắc của du lịch Vĩnh Long. Nếu Vĩnh Long khai thác đầy đủ, bài bản di sản này thì đây sẽ là điểm đến đặc sắc của khu vực Đông Nam Á”.

Tuy nhiên, theo ông Linh, song song với việc đầu tư và phát triển điểm đến độc đáo này, tỉnh Vĩnh Long cũng cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường bởi khói bụi từ hệ thống lò gạch, gốm này là rào cản rất lớn đến sự trải nghiệm và quá trình tham quan của du khách.

Vĩnh Long đã phê duyệt xây dựng Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”. Song song với đó, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa nhằm xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Vĩnh Long sẽ dừng phá dỡ các lò gạch, bảo vệ nguyên trạng, xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật, du lịch, dịch vụ dựa trên khối công trình di sản lò gạch và nhà xưởng; lập quy hoạch tổng thể định hướng cho toàn bộ vùng di sản gồm vùng đệm, vùng lõi và vùng trung tâm lõi di sản. Phạm vi của vùng di sản rộng khoảng 3.060 ha và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000 ha.

Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Với tầm nhìn và sự đầu tư như vậy, Đề án Di sản đương đại Mang Thít sẽ là “cây đũa thần” góp phần bảo vệ và “đánh thức” giá trị của “Vương quốc gạch, gốm” Mang Thít.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.