Những cơn mưa có mùi dễ chịu mà con người thường thấy trong rừng là do vi khuẩn gây nên. Xạ khuẩn, một loại vi khuẩn dạng sợi, sẽ phát triển trong đất khi gặp điều kiện thời tiết ẩm ướt và ấm áp; khi đất khô chúng tạo ra vô số bào tử ở trong đất.
Các hạt mưa đánh bật các bào tử này vào không khí ẩm, và khi con người hít phải những bào tử ấy sẽ có cảm giác một mùi đặc biệt, đó là mùi của đất sau cơn mưa, Howstuffworks cho hay.
Một loại mùi khác là do tính axit của nước mưa gây nên. Nhiều chất hóa học trong không khí, điển hình là khí SO2 và NOx sinh ra từ các hoạt động tự nhiên và nhân tạo.
Trong quá trình mưa sẽ phản ứng với hơi nước trong khí quyển để hình thành axit như axit sulfuric, axit nitric. Khi nước mưa có tính axit tiếp xúc với các mảnh vụn hữu cơ hoặc hóa chất trên mặt đất, chẳng hạn như xăng dầu, sẽ tạo ra một số phản ứng gây mùi khó chịu.
Cũng giống như mùi gây ra do bào tử vi khuẩn, mùi của các phản ứng hóa học thường mạnh nhất sau đợt khô hanh kéo dài, vì nếu các hóa chất bị pha loãng bởi một trận mưa lớn trước đó, chúng sẽ không phản ứng với nước mưa hiện tại nữa.
Loại mùi cuối cùng có nguồn gốc từ tinh dầu dễ bay hơi do thực vật tạo ra, chúng bám vào các bề mặt khác như trên đất, đá. Nước mưa tác động tới tinh dầu trên đất, đá và mang nó trở lại không khí. Mùi hương này cũng giống như do bào tử vi khuẩn gây ra, hầu hết mọi người đều cảm thấy nó tươi mát và thú vị.