Khám phá cố đô Huế - 1 điểm đến 8 di sản

GD&TĐ - Thừa Thiên Huế với Cố đô Huế là tỉnh duy nhất tại Việt Nam sở hữu 8 Di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực.

Cố đô Huế đang lưu giữ 8 Di sản thế giới.
Cố đô Huế đang lưu giữ 8 Di sản thế giới.

2 di sản quan trọng bậc nhất được công nhận đầu tiên

Thừa Thiên Huế đang sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực, trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

Cụ thể, 6 di sản của riêng Huế là: Quần thể Di tích Cố đô Huế; Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Cửu đỉnh – Hoàng Cung Huế. Và 2 di sản chung với các địa phương khác là: Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam

Những di sản đặc sắc này góp phần làm nên thương hiệu Huế - thành phố của di sản. Đầu tiên, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Quần thể di tích Cố đô Huế là Di tích quốc gia đặc biệt.

hmccdinhhoanghoangthanh001.jpg
Hoàng cung Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Quần thể Di tích Cố đô Huế là một tập hợp các công trình kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa được triều đại Nguyễn khởi công và hoàn thành trong khoảng 2 thế kỷ từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Những di tích này phản ánh sự phát triển của lịch sử, văn hóa, chính trị và nghệ thuật của Việt Nam trong giai đoạn này. Nơi đây, bao gồm các thành phần chính như: Hoàng thành, Tử Cấm Thành, các lăng tẩm của các vua Nguyễn, các đền thờ, các miếu mạo, các cung điện và các công trình dân gian khác. Những di tích này nằm trên địa bàn thành phố Huế hiện nay và một số khu vực lân cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

hmccbaominhtuduc003.jpg
Lăng tẩm vua Tự Đức đẹp nên thơ thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Tiếp theo, di sản thứ 2 được UNESCO công nhận vào ngày 7/11/2003 là Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam thuộc danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ra đời vào thế kỷ XV – giữa thế kỷ XX và phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ uyên bác dưới thời nhà Nguyễn, đây là loại hình âm nhạc biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại.

bm728225-7.jpg
Vũ khúc Lục cúng hoa đăng.
3-1.jpg
Biểu diễn vũ khúc cung đình Lục cúng hoa đăng tại Trụ sở UNESCO (Paris, Pháp).

Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn vào các cuộc tế, lễ gắn với các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt: Lễ đăng quang, lễ tang hoặc những dịp đón tiếp chính thức… Ngày nay, Nhã nhạc được bảo tồn và phát huy giá trị trong không gian diễn xướng nguyên thủy của nó tại các cung điện, đền miếu thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần đưa giá trị di sản văn hóa phi vật thể đến gần hơn với công chúng.

6 di sản quý giá tiếp theo tại Cố đô Huế

Thứ 3 là Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào ngày 31/7/2009. Loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm trong kho tàng lịch sử văn hóa Việt Nam (cả về hình thức, nội dung và phương thức chế tác). Bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới triều Nguyễn. Gồm 34.618 tấm văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XIX và XX. Nội dung chia làm 9 chủ đề: Lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo tư tưởng – triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa – giáo dục. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác.

quoc-su-quan-trieu-nguyen-2.jpg
Tòa nhà Nội các xưa - Nơi giúp nhà vua kiểm soát tất cả công văn, tấu sớ của địa phương và triều đình, trong lưu giữ nhiều Mộc bản triều Nguyễn.

Di sản thứ 4 là Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945) là tài liệu lưu trữ Hán - Nôm thuộc diện quý hiếm hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Thủ đô Hà Nội. Ngày 14/5/2014, Châu bản triều Nguyễn đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến ngày 30/10/2017, UNESCO đã công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu của thế giới.

Châu bản triều Nguyễn là các văn bản có bút tích phê của nhà vua bằng mực son, gồm 773 tập tài liệu Hán - Nôm, tương đương 85.000 văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802 – 1945), phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người Việt Nam thời kỳ bấy giờ, trong đó có những tư liệu đặc biệt quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

1-6-2.jpg
Một bản tấu Châu bản triều Nguyễn của đình thần bàn về việc tiếp sứ bộ nước Xiêm (Thái Lan).

Châu bản được sử dụng làm nguồn sử liệu gốc quan trọng để biên soạn các bộ chính sử và các sách điển lệ như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mệnh chính yếu... và giúp các nhà nghiên cứu ngày nay phục dựng lịch sử triều Nguyễn. Thơ văn trên kiến trúc cung đình Nguyễn (1802 - 1945) được vinh danh là Di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vào ngày 19/5/2016.

Thứ 5, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày 19/5/2016. Đây là được trang trí theo lối "nhất thi nhất họa", hoặc "nhất tự nhất họa", mỗi bài thơ hoặc mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba đố bản, cổ diềm ở nội thất và ngoại thất, những vị trí dễ chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Thơ thì phổ biến là thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn, câu đối... và không cố định số chữ.

lhhh4e-tho-tren-dien-thai-hoa.jpg
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế tiêu biểu với Cổ diềm trang trí men pháp lam ở lăng Thiệu Trị.

Có tổng cộng đến 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Thơ văn trên kiến trúc cung đình Nguyễn được đánh giá là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn.

Di sản thứ 6 của riêng cố đô Huế là Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (hay còn có tên gọi khác Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế) được ghi danh vào danh mục Ký ức thế giới vào ngày 8/5/2024. Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế do Vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay, biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

cuu-dinh-27-2-2023-15-46-01-198-ch.jpg
Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế).

Cuối cùng, di sản thứ 7 và 8 của cố đô Huế là đồng sở hữu với các địa phương khác. Gồm: Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1/12/2016; và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7/12/2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.