Xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

GD&TĐ - Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế được định hướng xây dựng là Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Xây dựng Huế tương lai trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Xây dựng Huế tương lai trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Tập trung xây dựng thành Thành phố Festival đặc trưng

Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Cứ hai năm một lần, nhân dân Thừa Thiên Huế, du khách và bạn bè trong nước, quốc tế lại đón chào ngày lễ hội này trong niềm háo hức. Với một di sản văn hoá vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc tuý của dân tộc, Huế là một hiện tượng văn hoá độc đáo của Việt Nam và thế giới.

Việc bảo lưu diện mạo một kinh đô của triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó, các công trình kiến trúc hoà hợp với thiên nhiên, tạo nên những tiết tấu độc đáo cộng với những lễ hội, âm nhạc, ẩm thực truyền thống được bảo tồn phong phú, đa dạng cùng với nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh, trong tương lai Huế sẽ trở thành thành phố Festival có tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực và thế giới.

di-tich-hue-mien-ve-cho-du-khach-viet-nam-ngay-quoc-khanh-29-7304.jpg
Hoàng cung Huế, điểm nhấn của Thừa Thiên Huế.

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, mục tiêu: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh... Đến năm 2025 xây dựng Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

9-6081.jpg
Nhiều vẻ đẹp từ văn hóa Huế khiến du khách đến Huế.

Du lịch gắn với văn hóa tạo thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thừa Thiên Huế cũng tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; xứng tầm là trung tâm du lịch chất lượng cao, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như: Văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá; vui chơi giải trí, thể thao; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; tâm linh; hội nghị hội thảo. Trong đó du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô ẩm thực, Kinh đô áo dài…

8-1912.jpg
Du khách quốc tế quan tâm đến các di tích tại cố đô Huế.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế. Xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế, hướng tới một xứ sở hạnh phúc, thành phố Festival của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á.

Ngoài ra, tập trung bảo quản, bảo tồn, sưu tầm và phát huy giá trị các di sản, bảo vật quốc gia gắn với Quần thể di tích Cố đô Huế. Định hướng bổ sung 2 di sản thế giới (Ca Huế và Di sản tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh), 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Nghề làm gốm Phước Tích; lễ hội truyền thống Điện Huệ Nam; nghề làm nón lá Huế; nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế; ẩm thực bún bò Huế).

image00220240905214914.jpg
Điện Kiến Trung lộng lẫy vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu phục dựng.

Các chuyên gia kinh tế nhận định: khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ có sự thay đổi tích cực về hình hài khi có 3 trung tâm đô thị, gồm: Thành phố Huế, Hương Thủy, Hương Trà. Với quy hoạch này, quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục – thể thao, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ.

Quần thể di tích Cố đô Huế là hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế; phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm di tích, không gian cảnh quan văn hóa, làm cơ sở lập hồ sơ tái đề cử trình UNESCO xem xét, công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế trong danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Việc hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực bảo tồn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo tiền đề phát triển kinh tế gắn với di sản một cách hữu hiệu được các cấp ban ngành chú trọng. Quần thể di tích Cố đô Huế được định hướng xác lập 5 phân vùng chức năng gồm: Khu vực 14 di tích thuộc di sản UNESCO; khu vực tái tạo di sản và tương tác phát triển; khu vực công viên quốc gia (gồm núi Ngự Bình và các núi phía thượng nguồn sông Hương); khu vực cảnh quan văn hóa sông Hương và các chi lưu; các khu vực đón tiếp và dịch vụ trung tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ