Được ví như “báu vật” giữa lòng công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, trải qua bao tháng năm lịch sử, dinh thự nhà Vương vẫn kiêu hãnh khoe nét đẹp giữa núi rừng Tây Bắc.
Cách đây 90 năm, chủ nhân căn nhà đã phải bỏ ra 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương để xây dựng, tương đương 150 tỷ đồng.
Trước khi bắt tay vào xây dựng dinh thự đồ sộ này, cụ Vương Chính Đức sang Trung Quốc nhờ thầy phong thủy qua Việt Nam đi qua khu vực 4 huyện cụ đang cai quản để chọn địa thế đất. Cuối cùng, cụ Đức và thầy quyết định dừng chân tại thôn Sà Phìn, địa thế đất nằm giữa thung lũng Sà Phìn.
Ở đây có một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy. Nếu xây dựng dinh thự tại đây thì sự nghiệp của cụ Vương Chính Đức sẽ thành về sau.
Cụ Vương Chính Đức (1865 - 1947) là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. |
Dinh vua Mèo được xây dựng trên một khu đất đẹp với diện tích 1.120 m2, ở độ cao trên 1.600 m so với mặt nước biển. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc cùng với những hàng cây sa mộc vươn cao.
Vua Mèo Vương Chính Đức đã kỳ công đi khắp đó đây tìm thầy, tìm thợ về xây nhà, hơn 8 năm mới hoàn thành.
Với kiến trúc hình chữ “Vương”, dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Dinh có ba ngôi nhà sàn, ngôi nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính. Cả ba ngôi nhà từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều được làm bằng gỗ quý. Những cột gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm – dương.
Nét độc đáo của ngôi nhà là các phiến đá nhỏ được kè chặt khít với nhau không cần chất kết dính, dày khoảng 50cm và xếp thành vòng tròn tạo thành khuôn viên riêng biệt. Trong dinh thự, tất cả đều được những bàn tay khéo léo của những người thợ thời kỳ bấy giờ chạm khắc cầu kỳ, khéo léo, tinh xảo.
Tại phần tiền dinh, trước cửa có hai câu đối, bên trái là "Gia tích thiện nhân hiền xuất nhập", bên phải là "Môn trong người hào kiệt vãng lai" (riêng câu bên phải này, năm 1938 Pháp xoá bỏ chế độ người H"Mông tự quản và yêu cầu ông Vương Chính Đức sửa lại thành "Môn phong lưu quý khách vãng lai" nhằm không cho ông Vương Chính Đức chiêu hiền nạp sĩ.
Vào bên trong Giếng trời của tiền dinh sẽ thấy tấm biển sơn son thếp vàng với dòng chữ Hán "Biên chính khả phong", tạm dịch là "Chính quyền biên cương vững mạnh", được Nhà Nguyễn mang từ Huế ra gắn cho dinh thự của ông Vương Chính Đức vào năm Khải Định thứ 13 cùng Thẻ bài Ngà voi và mũ áo Tấn phong cho ông Vương Chính Đức làm quan của triều đình.
Dinh thự họ Vương có tuổi đời gần 100 năm do vua Mèo Vương Chính Đức thuê thợ giỏi và hàng vạn nhân công xây dựng trong 8 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng. |
Hàng sa mộc 2 bên lối cầu thang lên nhà của Vương. |
Chiếc cổng đá bề thế của dinh thự vua Mèo. |
Cửa chính dẫn vào nhà qua năm tháng đã để lại những rêu phong cổ kính. |
Tường nhà được xây bằng đá, bên trong ốp ván, cột, kèo làm bằng gỗ, sàn cũng lát gỗ, mái nhà lợp bằng ngói máng, riêng hàng hiên lợp ngói ống, trên ngói có trang trí hoa văn chữ Thọ. |
Các bức tường đường xây dựng bằng đá, liên kết với nhau bằng mật mía. Dinh thự Vua Mèo được công nhận di tích quốc gia với tên gọi “Khu di tích văn hóa nghệ thuật lịch sử Nhà Vương” năm 1993, trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm cao nguyên đá Đồng Văn. |
Trước cách mạng tháng 8, Vương Chính Đức là người giàu có nhất vùng nhờ buôn bán thuốc phiện. Sà Phìn là nơi trung chuyển thuốc phiện từ tam giác vàng Miến Điện đến vùng Vân Nam (Trung Quốc) sang Đông Dương. Trong ngôi nhà có nhiều biểu tượng quả anh túc (thuốc phiện). |
Những bức ảnh được lưu giữ của gia tộc họ Vương. |
Bộ bàn ghế cổ cùng gian lò sưởi. |
Hiện, dinh thự vua Mèo về cơ bản vẫn giữ được nét những nét xưa cũ, chỉ có điều hệ thống sàn nhà gỗ đã bị cạy phá, chỉ còn trơ nền đất. Nguyên nhân là trong thời chiến, nhà cụ Đức bị nghi chôn cất tài sản dưới nền nhà. |
Để đánh được một chân cột đá, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 1 tỷ đồng tiền Việt Nam. Đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Đồng Văn. |