Sức sống nơi “cõi đá”

GD&TĐ - Cao nguyên đá Hà Giang nằm trên địa bàn các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang - vùng đất mà ai đã đến đây một lần, sẽ không thể nào quên.

Trẻ em ở huyện Đồng Văn bán những bó hoa tam giác mạch bên đường
Trẻ em ở huyện Đồng Văn bán những bó hoa tam giác mạch bên đường

Từ Hà Nội chúng tôi đến TP Hà Giang và ngược lên “điểm hẹn cực Bắc”. Đường lên Cao nguyên đá nhọc nhằn lắm, đá mẹ đá cha to như con voi, con bò, các khúc cua đan xen nhau như các nếp gấp trên tay áo.

Trên suốt cung đường một bên toàn là vách núi đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút, đường đèo sương mù giăng kín khiến những tay lái cừ khôi nhất ít nhiều cũng toát mồ hôi.

Đến dốc Bắc Sum, xe chúng tôi ngược cổng trời Quản Bạ để ngắm nhìn núi đôi (núi Cô Tiên) kỳ vĩ, rồi vượt đèo Cán Tỷ để qua Yên Minh, Mậu Duệ để chứng kiến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp - đó là một “sa mạc đá tai mèo” toàn một màu xám xịt. Ai lên Đồng Văn đều ghé thăm Dinh thự nhà họ Vương (vua Mèo) - một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo ghi dấu một thời huy hoàng của người Mông trên Cao nguyên đá.

Chúng tôi được ngắm nhìn các thửa ruộng bậc thang ôm vòng quanh mỗi quả núi, những ngôi nhà bằng gỗ óng lên màu thời gian. Các thiếu nữ người Mông, người Dao, người Lô Lô, người Giáy… mắt ướt sóng sánh trong sương núi, leng keng vòng bạc trong những bộ trang phục nhiều màu sắc xuống núi đi chợ phiên.

Bất chợt trong tôi lại nhớ câu thơ: “Em là con gái cao nguyên đá, gùi đất leo mây với đỉnh trời” mà tôi đã được đọc ở đâu đó. Trên suốt hành trình bên cạnh được chiêm ngưỡng núi non hùng vĩ, điều đọng lại nhiều nhất trong tôi, đó chính là hình ảnh những trẻ em vùng cao. Những em bé khuôn mặt ngây thơ và hồn nhiên giữa trời lạnh giá, sự nghèo nàn, thiếu thốn về đời sống vật chất của các em đã khiến du khách thực sự ám ảnh.

Tháng 11 cao nguyên càng nổi bật hơn trong sắc màu của hoa bạc hà, hoa tam giác mạch đang thời nở rộ. Lắng nghe tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn tình của các tràng trai, cô gái người Mông từ các ngả núi vang lên réo rắt và tha thiết quá trong những chợ phiên.

Với 3/4 diện tích là núi đá, quanh năm hạn hán và mây mù bao phủ, ngoài cây ngô ra thì không có loài cây nào có thể sinh trưởng mạnh như thế ở Cao nguyên đá. Cây ngô cũng kiên cường và có sức sống mãnh liệt như chính người Mông nơi đây vậy. Cảnh tưởng những người Mông cày trên núi đá hay gùi đất từ vùng thấp để đổ vào từng hốc đá trên cao nguyên để trồng ngô (chuyện khó tin nhưng có thật), đá tai mèo sắc nhọn như đâm nát chân người đã làm tôi thực sự thấy xúc động.

Đồng bào nơi đây có câu nói ‘‘sống trên đá, chết vùi trong đá”, cuộc sống trên Cao nguyên đá quanh năm khô hạn, vất vả, kiên trì vật lộn với từng hốc đá tai mèo để gieo những mầm ngô (mầm sống) nơi cao nguyên này, nhưng lạ thay những nương ngô năm nào cũng xanh tốt và cho năng suất thu hoạch cao, không ăn hết ngô đồng bào bán lấy tiền mua gạo, mua các vật dụng khác. Quả là đá đã không phụ công người.

Đường lên cao nguyên đá với nhiều khúc cua tay áo
 Đường lên cao nguyên đá với nhiều khúc cua tay áo
Trẻ em trên Cao nguyên đá
Trẻ em trên Cao nguyên đá 
Những khối đá lớn rơi xuống giữa đường ở Cán Tỷ (Quản Bạ) khiến các phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn khi di chuyển
Những khối đá lớn rơi xuống giữa đường ở Cán Tỷ (Quản Bạ) khiến các phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn khi di chuyển 
Chọn váy ở chợ phiên xã Ma Lé (huyện Đồng Văn)
Chọn váy ở chợ phiên xã Ma Lé (huyện Đồng Văn) 
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ