Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy những mỏ đá cổ xưa bên trong hang động Artà, nằm trên hòn đảo Mallorca của Tây Ban Nha, cho thấy mực nước biển cách đây 3,5 - 4 triệu năm từng cao hơn 16 m so với ngày nay, UPI 30/8 đưa tin.
Vào thời điểm đó, nhiệt độ trên Trái Đất nóng hơn từ 2 đến 3 độ C.
Nghiên cứu tập trung vào sự hình thành của các lớp trầm tích bên hang động. Các nhà khoa học đã thu thập 70 mẫu khoáng vật và phân tích cẩn thận trong phòng thí nghiệm.
Họ sử dụng phương pháp đo đồng vị phóng xạ urani - chì để xác định nguồn gốc và niên đại của mẫu vật.
Kết quả cho thấy các lớp trầm tích đã có từ thế Thượng Tân (thế thứ hai thuộc kỷ Tân Cận, trong đại Tân Sinh) và được hình thành dưới sự tác động của nước mặn và không khí bên trong hang động.
Điều này cho thấy hang Artà, ngày nay nằm sâu trong đất liền hơn 100 m, từng có thời gian dài ngập trong nước biển, Giáo sư Joan J. Fornós từ Đại học Illes Balears giải thích.
"Mực nước biển thay đổi lên xuống trong hang Artà có thể do sự phát triển và tan chảy của các tảng băng, hoặc do quá trình nâng cao và sụt lún của hòn đảo gây ra", Giáo sư Jacky Austermann từ Đại học Columbia, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho biết thêm.
Dựa trên các mô hình băng tan chảy, nhóm nghiên cứu cho rằng sự sụp đổ của hai dải băng lớn ở Greenland và Tây Nam Cực là nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao trong những năm gần đây.
Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học từ Đại học New Mexico, Đại học South Florida, Đại học Columbia của Mỹ và Đại học Illes Balears của Tây Ban Nha.