Khai quật cổ mộ 1.400 năm tuổi: 4 ký tự trên quan tài khiến đội khảo cổ khiếp sợ

Ít ai biết đằng sau "lời nguyền" đáng sợ trên quan tài lại là câu chuyện đau thương.

Khi nhắc tới những lăng mộ tráng lệ chôn cất hàng nghìn kho báu, người ta thường nghĩ ngay tới lăng mộ của các vị hoàng đế. Tuy nhiên, năm 1957, các nhà khảo cổ đã khai quật được một lăng mộ có đồ tùy táng sang trọng và phong phú như lăng vua nhưng chủ nhân lại là một bé gái 8 tuổi.

"Lời nguyền" trong lăng mộ 1.400 năm tuổi. (Ảnh gốc: Baike).

"Lời nguyền" trong lăng mộ 1.400 năm tuổi. (Ảnh gốc: Baike).

"Khai giả tức tử"

Năm 1957, một nhóm các nhà khảo cổ thuộc thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã tình cờ phát hiện một ngôi mộ nhỏ ở phía tây thành phố Tây An. Hầm mộ hình chữ nhật chỉ sâu 2,9m, kích thước miệng hố là 6,05m × 5,1m và kích thước đáy là 5,5m × 4,7m (số liệu được công bố trên chuyên trang Baike).

Tuy nhiên, bên trong không gian khiêm tốn này, nhóm khảo cổ lại tìm thấy 230 cổ vật quý hiếm, thậm chí là vô giá, bao gồm trang sức, chén ngọc, bình sứ, đồ thủy tinh...

Trung tâm lăng đặt một cỗ quan tài chỉ dài 1,5m nhưng có hình dáng như cung điện thu nhỏ với thiết kế vô cùng tinh xảo. Bên trong quan tài là một bé gái đầu đội vương miện, mỗi cổ tay mang một chiếc vòng vàng, trên cổ đeo thêm một dây chuyền vàng khảm ngọc trai và đá quý.

Quan tài trong lăng mộ Lý Tịnh Huấn (Ảnh: Baike).

Quan tài trong lăng mộ Lý Tịnh Huấn (Ảnh: Baike).

Chủ nhân của lăng mộ được xác định là tiểu thư Lý Tịnh Huấn (600-608). Lý Tịnh Huấn sinh ra trong một gia đình thanh thế lẫy lừng, cô bé là cháu ngoại của Hoàng hậu Dương Lệ Hoa (561 - 609), có mẹ là Công chúa Vũ Văn Nga Anh và cha là Lý Mẫn, một vị quan nhất phẩm trong triều đình.

Lý Tịnh Huấn sinh ra với thân phận thiên kim đại tiểu thư, từ nhỏ đã nhận được sủng ái, vinh hoa phú quý không gì không hưởng, thế nhưng cô bé chỉ sống được 8 năm do mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo.

Bốn chữ "khai giả tức tử" chạm khắc trên nắp quan tài. (Ảnh: Baike).
Bốn chữ "khai giả tức tử" chạm khắc trên nắp quan tài. (Ảnh: Baike). 

Quan sát quan tài của Lý Tịnh Huấn, có một điều đã khiến các nhà khảo cổ vô cùng kinh hãi, đó chính là 4 chữ được khắc trực tiếp bên trên nắp quan tài: "Khai giả tức tử" - nghĩa là: Kẻ nào mở nắp quan tài sẽ phải chết.

Khi đọc được dòng chữ này, có lẽ mộ tặc yếu bóng vía nào cũng phải khiếp sợ chạy khỏi lăng, đây cũng là một phần lý do ngôi mộ đầy kho báu vẫn còn nguyên vẹn suốt 1.400 năm qua.

"Khai giả tức tử" là 4 chữ do Hoàng hậu Dương Lệ Hoa lệnh khắc lên quan tài để bảo vệ giấc ngủ ngàn thu của cháu gái Lý Tịnh Huấn.

Tuy nhiên, dòng chữ khắc trên quan tài có lẽ không phải lời nguyền đối với những kẻ trộm mộ mà đúng hơn là sự bảo vệ cuối cùng của người bà dành cho cô cháu gái bé nhỏ.

Nụ hoa sớm tàn

Khi viết về chủ nhân ngôi mộ, Giáo sư Hàng Khản thuộc Viện Khảo cổ Đại học Bắc Kinh đã cho rằng: "Lý Tịnh Huấn giống như một nụ hoa chưa kịp nở đã vội tàn khi bao nhiêu tiền bạc, quyền lực của gia đình cũng không thể kéo dài sinh mệnh ngắn ngủi của cô bé".

Lý Tịnh Huấn tiểu thư qua đời vào mùa hè năm Đại Nghiệp thứ 4 (tức năm 608) trong lúc đáng ra cô bé đang cùng bà ngoại đi tránh nóng ở cung Phần Nguyên.

Tranh vẽ tiểu thư Lý Tịnh Huấn cùng Hoàng hậu Dương Lệ Hoa. (Ảnh: Baike).
Tranh vẽ tiểu thư Lý Tịnh Huấn cùng Hoàng hậu Dương Lệ Hoa. (Ảnh: Baike).

Những người lớn trong gia đình đau buồn không kể xiết, họ đưa thi thể cô bé đi chôn cất tại một ngôi chùa ở kinh đô Trường An, chứ không phải những nghĩa trang lạnh lẽo ngoại ô thành phố như những lăng mộ hoàng gia khác.

Việc tin tưởng rằng có một thế giới kiếp sau là nỗi an ủi lớn nhất cho gia đình tiểu thư họ Lý.

Mặc dù không có tước vị trong suốt cuộc đời mình nhưng tang lễ của Tịnh Huấn được tổ chức vô cùng long trọng với đồ tùy táng tinh xảo và phong phú, hứa hẹn cho cô bé một cuộc sống vinh hoa phú quý ở kiếp sau.

Sợi dây chuyền vàng Lý Tịnh Huấn đeo trên cổ mang một vẻ đẹp bất chấp thời gian, thế nhưng nguồn gốc của nó mới là thứ nói lên nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình.

Sợi dây chuyền có chu vi 43cm, khảm 28 viên ngọc trai và nhiều viên đá mắt mèo đỏ, đá thanh kim, ngọc bích được đan với nhau bằng những sợi dây vàng. Sợi dây chuyền có nhiều đặc điểm chế tác từ Hy Lạp, La Mã và Tây Á, nhiều khả năng đã được mang đi chế tác ở nước ngoài.

Cận cảnh chiếc vòng vàng nạm ngọc được chôn theo chủ lăng mộ (Ảnh: Wang Guan).
Cận cảnh chiếc vòng vàng nạm ngọc được chôn theo chủ lăng mộ (Ảnh: Wang Guan).

Tất nhiên, tiểu cô nương bên trong quan tài sẽ không hiểu được giá trị của những bảo vật này chứ đừng nói đến việc chúng được chế tác ở đâu. Tuy vậy, những người thân của cô bé vẫn muốn dùng những món trang sức lộng lẫy để điểm tô cho gương mặt bé nhỏ mà họ sẽ không bao giờ gặp lại.

Tấm văn bia 370 chữ trong lăng mộ Lý Tịnh Huấn. (Ảnh: Sohu).
Tấm văn bia 370 chữ trong lăng mộ Lý Tịnh Huấn. (Ảnh: Sohu). 

Khi khám phá bên trong lăng, đội khảo cổ cũng tìm thấy một tấm văn bia khắc 370 chữ kể lại cuộc đời ngắn ngủi của chủ nhân ngôi mộ và nỗi đau thương, nhớ nhung của người thân sau khi cô bé qua đời.

Văn bia kết thúc bằng 8 chữ: "Cộng tri bào hoan, hà giai thọ yểu" (tạm dịch: Dẫu biết số phận luôn biến ảo như bọt nước, hà cớ gì vẫn đau lòng khi phận người quá ngắn ngủi).

Quả thực, 1.400 năm sau khi những dòng này được đọc lên một lần nữa, hậu thế vẫn cảm nhận rõ ràng nỗi đau xót day dứt trong lòng của "kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh".

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.