(GD&TĐ)-Sáng nay (25/2), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ khai mạc Phòng trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”.
Họp báo công bố đợt trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn |
Tại cuộc họp báo công bố đợt trưng bày, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, trưng bày lần này giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật có niên đại từ đầu công nguyên tới thời Nguyễn gồm tranh, tượng Phật, trang trí kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, nhạc khí… Đặc biệt là chiếc trống đồng Cảnh Thịnh đúc vào thời Tây Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia Việt Nam.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã nhanh chóng được bản địa hóa. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo.
Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Từng bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.
Trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2013.
Một số hình ảnh hiện vật được trưng bày:
Trống đồng Cảnh Thịnh |
NN