Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII

Quốc hội thảo luận và thông qua 10 dự án luật và 2 dự thảo Nghị quyết

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang có xu hướng phục hồi sau khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế. Ở trong nước, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực.

Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,83%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và giá trị sản xuất công nghiệp trong 4 tháng tăng cao. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đến giữa tháng 4 đạt 29,2% dự toán năm, cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, góp phần ổn định đời sống nhân dân và từng bước cải thiện phúc lợi xã hội. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII ảnh 1
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII sẽ diễn ra trong gần 1 tháng.

Những kết quả đạt được là rất quan trọng, tạo cơ sở để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2010 - năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, theo chương trình nghị sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề sau đây:

Một là, xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2010; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008.

Hai là, thảo luận và thông qua 10 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết, đó là: Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật thuế nhà, đất; Luật nuôi con nuôi; Luật bưu chính; Luật thi hành án hình sự; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật người khuyết tật; Luật trọng tài thương mại; Luật an toàn thực phẩm; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Cho ý kiến về 6 dự án luật khác: Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật khoáng sản (sửa đổi).

Ba là, tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ sáu đến nay; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bốn là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và một số báo cáo chuyên đề khác.

Năm là, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số vấn đề quan trọng khác.

Năm 2010, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%

Ngay sau bài khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo Quốc hội các giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra.

Theo đó báo cáo, GDP quý IV/2009 tăng 6,99%, đưa tốc độ cả năm lên 5,32%, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (5,2%), trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 5,52%, nông nghiệp tăng 1,83% và dịch vụ tăng 6,63%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 708,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2008 và bằng 42,7% GDP. Trong đó, vốn FDI đăng ký đạt 22,6 tỷ USD, số vốn thực hiện đạt khoảng 10 tỷ USD; vốn ODA cam kết trên 8 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, việc Việt Nam tiếp tục thu hút được lượng vốn nước ngoài khá lớn đã thể hiện niềm tin của cộng đồng quốc tế vào tiềm năng phát triển và môi trường đầu tư của nước ta.

Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, báo cáo cho rằng, mặc dù phải giảm một số khoản thuế để thực hiện chính sách kích thích kinh tế, nhưng do sớm ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và quản lý chặt chẽ các nguồn thu nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 vẫn vượt 13,4% so với dự toán và tăng khoảng 51,69 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia nằm trong giới hạn an toàn.

Xuất khẩu tăng mạnh trong quý IV đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 57,1 tỷ USD, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước. Giá hàng xuất khẩu giảm vẫn là nguyên nhân chủ yếu làm giảm kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, việc để lại dầu thô trong nước sử dụng cho nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu.

Các giải pháp điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt cùng với việc phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là những tháng cuối năm đã góp phần kìm giữ mức lạm phát cả năm 2009 là 6,52%. Các mặt hàng xăng dầu, điện, than được chuyển sang cơ chế giá thị trường theo lộ trình, không gây xáo trộn lớn. Hệ thống ngân hàng cơ bản giữ được ổn định; thị trường chứng khoán có bước phục hồi.

Về thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, báo cáo chỉ rõ, để góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống của nhân dân do tác động của suy giảm kinh tế và thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội: điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và trợ cấp cho người có công; hỗ trợ lao động mất việc làm; quan tâm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn.

Năm 2009, nước ta chịu ảnh hưởng của 11 cơn bão và nhiều đợt lũ lụt lớn gây thiệt hại ước tính 23,2 nghìn tỷ đồng, gần gấp 2 lần năm 2008, nhưng nhờ triển khai tích cực công tác cứu hộ, cứu trợ nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và của cải, nhanh chóng phục hồi sản xuất và đời sống, không để thiếu đói và bệnh dịch lây lan. Ngân sách trung ương đã chi trên 4.250 tỷ đồng và cấp không thu tiền 64.000 tấn gạo cho dân để cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng số hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở là 157.735 căn, trong đó đã tập trung đầu tư ở 62 huyện nghèo là 63.365 căn, cho đồng bào Khơme Tây Nam Bộ là 21.082 căn. Đã hỗ trợ 1.882 tỷ đồng và đưa gần 1.000 lao động của 62 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn 1.827 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn khoảng 11%.

Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, thể thao, khoa học công nghệ và môi trường tiếp tục có bước phát triển. Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã và đang được tích cực triển khai. Công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo và có một số chuyển biến tốt.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2009 là năm khó khăn nhất trong 10 năm gần đây, nhưng nhờ sự nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước, nhân dân và sự giám sát của Quốc hội, chúng ta đã vượt qua khó khăn thử thách, sớm ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá, đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, thể thao, khoa học công nghệ và môi trường tiếp tục có bước phát triển tích cực trong điều kiện nền kinh tế khó khăn.

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại và yếu kém cần tiếp tục khắc phục như chất lượng tăng trưởng thấp, kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô, chất lượng nhân lực còn kém, kết quả tạo việc làm còn hạn chế, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa được cải thiện nhiều, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, công tác bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường chuyển biến chậm.

Báo cáo cho rằng, dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế và của các nước cho thấy giai đoạn khó khăn nhất của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã qua, song sự phục hồi vẫn chưa vững chắc. Ở trong nước, những kết quả năm 2009 đã tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2010. Theo đó, những tháng đầu năm 2010, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn so với quý I/2009 và của cả năm 2009 (tốc độ tăng GDP quý I/2010 là 5,83%; quý I/2009 là 3,14%; cả năm 2009 là 5,32%). Cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I tăng 13,6%, gấp nhiều lần so với quý I/2009 (2,1%) và cao hơn kế hoạch năm đề ra là 12%; giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá thực tế) tăng 17,4%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,8%; giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,64%.

Theo báo cáo, năm 2010, các ngành, các cấp cần tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối các mặt hàng thiết yếu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ