Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức diễn ra sáng nay (5/12). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế.
Tham dự Diễn đàn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương…
Cùng dự còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”, Diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm các căn cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội xem xét, quyết định gói chính sách, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trên cơ sở đề xuất bước đầu của Chính phủ, nhằm cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XIII và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV về chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới.
Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau.
Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020-2025.
Đồng thời, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, tại Diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học sẽ cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới. Đồng thời, chia sẻ kinh nhiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, tại Diễn đàn, các đại biểu, các chuyên gia sẽ trao đổi và giải đáp các câu hỏi về huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực, sự hấp thụ năng lực của nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế còn một số điểm nghẽn, vướng mắc…
""Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững" có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII của Đảng và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Nhấn mạnh đây là diễn đàn mở, ngoài 2 điểm cầu tại Trung ương, còn kết nối đến 57 điểm cầu khác trong nước và kết nối 3 điểm cầu quốc tế là Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Chính phủ rất muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết, cởi mở, toàn diện đến từ những người thực thi chính sách và những người tham gia hoạch địch chính sách tại diễn đàn này.
Diễn đàn được chia thành 2 Phiên. Phiên toàn thể buổi sáng và tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Diễn ra trong 1 ngày, Diễn đàn bao quát đầy đủ các ngành, lĩnh vực từ kinh tế tới xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường; tập trung đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch Covid-19; làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch Covid với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của Covid-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.