Khai báo gian dối để được xét nghiệm Covid-19: Có thể xử lý hình sự

Luật gia cho rằng, hành vi khai báo gian dối để được xét nghiệm Covid-19 gây ảnh hưởng, khó khăn cho công tác phòng dịch, làm phát sinh công sức và chi phí cho nhà nước trong việc tổ chức phòng chống dịch bệnh này.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Chiều 19/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: “Có tình trạng 1 số công dân không đi từ Hải Dương về Hà Nội nhưng muốn được xét nghiệm nên đã khai là có đi qua Hải Dương. Việc này đã được tổ dân phố phát hiện và đã vận động công dân tự giác không đăng ký xét nghiệm nữa”.

Sau khi nhận được thông tin này, ông Chử Xuân Dũng cho rằng: “Đây là khai báo không trung thực, gian lận trong kê khai y tế. Người đi qua vùng dịch mà không khai báo hay người không qua vùng dịch mà khai gian dối đều là gian lận có chủ ý và phải xử phạt hành chính theo quy định.

Một người cố tình khai đi về từ Hải Dương sẽ kéo theo 3, 4 người trong nhà đi xét nghiệm thì kinh phí thành phố không đảm bảo được. Sau này thành phố sẽ kiểm tra kỹ, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Liên quan đến nội dung trên, Luật sư Đặng Văn Cường, -Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc xét nghiệm Covid-19 là một trong những biện pháp xử lý y tế quan trọng để xác định người nhiễm bệnh, có giải pháp truy vết, phòng chống lại bệnh dịch này.

Theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành, những người thuộc trường hợp phải cách ly tập trung thì sẽ bắt buộc phải xét nghiệm Covid-19.

Ngoài ra, những trường hợp không thuộc cách ly y tế bắt buộc nhưng có nguy cơ nhiễm bệnh, có biểu hiện bệnh lý như ho sốt, các ca F2, F3... những người sinh sống gần khu vực có bệnh dịch, tùy vào tình hình điều kiện của địa phương thì cũng sẽ tổ chức xét nghiệm để sàng lọc, phân loại và có những giải pháp phòng chống bệnh dịch này.

Điều đáng chú ý là một số địa phương quy định công dân đến địa phương của họ, những người lái xe chở hàng hóa thực phẩm vào khu vực địa phương họ để đảm bảo an toàn phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm phải có giấy xác nhận đã xét nghiệm âm tính với loại vi-rút này.

Chi phí xét nghiệm khoảng vài triệu đồng, tuy nhiên muốn được xét nghiệm thời điểm này cũng rất khó khăn. Những trường hợp tự nguyện xét nghiệm trả phí rất khó có cơ hội để thực hiện thủ tục của mình. Bởi vậy có thể sẽ xuất hiện những trường hợp khai báo gian dối về tình trạng sức khỏe cũng như lịch trình di chuyển của mình để được xét nghiệm miễn phí.

Hiện nay ở một số địa phương, việc xét nghiệm đối với những trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm và xét nghiệm miễn phí đang gần như quá tải, đặc biệt là Hà Nội và một số thành phố lớn.

“Bởi vậy nhu cầu xét nghiệm đang rất cao. Để tránh trường hợp một số người đã gian dối trong việc khai báo y tế, gian dối trong việc khai báo về biểu hiện tình trạng sức khỏe để được xét nghiệm Covid-19 miễn phí thì cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, giảm bớt những lãng phí về tiền của, nhân lực của nhà nước và lực lượng phòng chống dịch”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, những trường hợp nào khai báo y tế gian dối để được xét nghiệm Covid-19 thì có thể bị xử phạt đến 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3, điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”.

Trong thời điểm này, vì nhiều lý do khác nhau mà có thể xảy ra những trường hợp người dân khai báo gian dối về lịch trình di chuyển của mình, gây ảnh hưởng, khó khăn cho công tác phòng dịch, làm phát sinh công sức và chi phí cho nhà nước trong việc tổ chức phòng chống dịch bệnh này.

Bởi vậy cần phải xử lý nghiêm minh các trường hợp khai báo gian dối, không khai báo, khai báo không đầy đủ về lịch trình di chuyển của mình.

Ông Cường thông tin: “Trong những trường hợp khai báo gian dối làm phát sinh chi phí chống dịch từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì có thể xử lý hình sự theo Điều 240 BLHS Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người hoặc Điều 295 bộ luật hình sự năm 2015 về Tội vi phạm quy định đảm bảo an toàn nơi đông người”.

Thời điểm này rất nhiều người dân ở các tỉnh tập trung về các thành phố lớn để học tập, làm việc, công tác bởi, việc phân loại, tổ chức khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19 là một khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi nhiều máy móc, thiết bị và sức lực con người.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả giảm bớt những chi phí, thời gian không cần thiết thì mọi công dân cần phải ý thức trách nhiệm của mình, hợp tác với lực lượng phòng chống dịch bệnh và khai báo trung thực lịch trình của mình tránh trường hợp trục lợi từ dịch bệnh hoặc vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh hoặc phát sinh các chi phí chống dịch không cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.