Khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức: Cần giải pháp đồng bộ

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Thái Bình cho rằng: Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận giới trẻ nói chung và học sinh (HS) nói riêng đang ở mức báo động.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá, nhìn nhận vấn đề này một cách tổng quan và có giải pháp lồng ghép trong chương trình học theo hướng giảm bớt kiến thức, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS.

Bộ GD&ĐT cho biết: Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm. Những năm qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên được Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai với những giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận giới trẻ nói chung và HS nói riêng, cụ thể như sau:

Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực HS; hình thành và phát triển cho HS 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Nội dung Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, giảm bớt kiến thức. Tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho HS vào trong các môn học. Chú trọng giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống cho HS trong Chương trình GDPT mới qua môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; tích hợp qua các môn học Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử...

Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Trung ương Đoàn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” (thay thế Quyết định số 1501/QĐ-TTg) và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV”.

Ngoài các giải pháp đồng bộ trên, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV thông qua hoạt động trải nghiệm. Tiếp tục rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức, các môn học chính khóa và các hoạt động giáo dục khác có liên quan.

Chỉ đạo các cơ sở đào tạo đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo giáo viên về đạo đức nhà giáo, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm. Triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức, lối sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ