Khả quan chất lượng tuyển sinh ngành Sư phạm

GD&TĐ - Theo đại diện các cơ sở đào tạo giáo viên, chúng ta đang chứng kiến sự quay trở lại tốp đầu nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) của Bộ GD&ĐT và đơn vị đào tạo cho thấy, sư phạm đã có sức hút với thí sinh.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế).
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế).

Tín hiệu vui

Mùa tuyển sinh năm 2021, điểm chuẩn vào các trường sư phạm tăng cao và được coi là tín hiệu mừng của ngành đào tạo giáo viên. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 56 trường đại học đào tạo giáo viên, với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành trình độ cao đẳng. Năm 2021, tuyển sinh ngành sư phạm có bước tiến cả về số lượng và chất lượng. Trong số 265 mã ngành tuyển sinh có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên, nhóm ngành sư phạm vươn lên vị trí thứ hai với 64 ngành.

Năm nay, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng bằng với năm 2021. Cụ thể, “điểm sàn” các ngành sư phạm trình độ đại học là 19 điểm; các ngành Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật là: 18 điểm; ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là: 17 điểm.

Cho rằng, sư phạm đã và đang có sức hút riêng với thí sinh và nhận được sự quan tâm của xã hội, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nhấn mạnh, việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng nhóm ngành đào tạo giáo viên là cần thiết. Thí sinh muốn vào sư phạm phải có khả năng tối thiểu. “Trên cơ sở điểm sàn của Bộ GD&ĐT, các trường có thể xác định mức “điểm sàn” cho trường mình” - GS.TS Nguyễn Văn Minh trao đổi.

TS Nguyễn Trung Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang - ghi nhận, Hội đồng tư vấn đã phân tích rất kỹ trên nhiều góc độ (cả khoa học và thực tiễn) để xác định ngưỡng đầu vào. Việc quyết định giữ mức ổn định như năm ngoái phù hợp với các trường đào tạo giáo viên, trong đó có trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Đồng thời, đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn tuyển.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) - bày tỏ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như năm nay là phù hợp, tạo điều kiện để nhà trường lựa chọn được sinh viên có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về đội ngũ giáo viên của địa phương và đất nước.

Mức điểm trên được xác định trên cơ sở phân tích rất kỹ từ thực tế đào tạo, tuyển sinh và tỷ lệ trúng tuyển, nhập học của thí sinh qua các năm 2020, 2021. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng căn cứ vào thực tế kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022, có phân tích đến phổ điểm của từng tổ hợp. Mặt khác, Bộ cũng tính đến phương án: “Điểm sàn” vừa đảm bảo chất lượng nhưng cũng đủ để các trường có dư địa để tuyển sinh. Trên cơ sở đó, có thể lựa chọn được những thí sinh đáp ứng được yêu cầu.

Ngành sư phạm vẫn có sức hút riêng.

Ngành sư phạm vẫn có sức hút riêng.

Sức hút riêng

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố “điểm sàn” cho khối ngành đào tạo giáo viên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thông báo điểm sàn từng ngành của trường. Theo đó, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường phải đạt tối thiểu 18 - 21,5 điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, ngành Sư phạm Hóa học dạy bằng tiếng Anh có mức “điểm sàn” cao nhất là 21,5. Ba ngành yêu cầu điểm sàn 18 gồm: Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật.

GS Nguyễn Văn Minh lưu ý, điểm sàn chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Ví dụ, ngưỡng điểm sàn năm ngoái đặt ra là 19, trong khi đó ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm trúng tuyển lên tới 28,53; ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh lấy điểm chuẩn là 27,7.

Do đó, trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần bảo đảm yêu cầu về điểm sàn, đồng thời chú ý những điều kiện khác như hạnh kiểm. Ngoài ra, hồ sơ phải đầy đủ và đúng. Thí sinh nên tham khảo điểm xét tuyển, trúng tuyển của các trường khác nhau trong những năm gần đây để có căn cứ sắp xếp thứ tự nguyện vọng xét tuyển.

Theo PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, mùa tuyển sinh năm nay, các trường đào tạo giáo viên có những tín hiệu tích cực. Hầu hết cơ sở đào tạo đều công bố mức điểm sàn bằng hoặc cao hơn so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Đáng chú ý, từ năm học 2021 - 2022 sẽ áp dụng Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có chính sách về đặt hàng đào tạo giáo viên, hỗ trợ sinh viên sư phạm về học phí, sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp… khiến ngành sư phạm càng thêm sức hút. “Năm 2019, thí sinh trúng tuyển nhập học các ngành đào tạo giáo viên trên 27.300 em bằng 52,97% tổng chỉ tiêu. Đến năm 2020, con số này là gần 36 nghìn, tương đương 61,58%” - PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền viện dẫn.

Trên cơ sở Nghị định 116/2020/NĐ-CP và nhu cầu thực tế của địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã “đặt hàng” với Trường ĐH Hồng Đức để đào tạo giáo viên, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành. “Do vậy, nguồn tuyển sinh của nhà trường trong những năm qua rất tốt” - PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền thông tin.

TS Nguyễn Trung Triều nhìn nhận, hai năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển đại học các ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tăng cao. Một số ngành “nóng”, điểm chuẩn trung bình các phương thức tuyển sinh lên tới 8 - 9 điểm/môn.

“Hiện, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở hầu hết địa phương trên cả nước. Dự báo những năm tới, đặc biệt đến năm 2026 - 2027 vẫn thiếu giáo viên rất nhiều. Đó là thông tin và cơ sở để thí sinh lựa chọn ngành sư phạm. Các trường khối sư phạm cũng rộng cửa đón người có nguyện vọng và đáp ứng yêu cầu đầu vào” - TS Nguyễn Trung Triều khẳng định.

“Với một số ngành như Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các địa phương rất cao. Sinh viên tốt nghiệp được các địa phương tuyển dụng rất nhiều. Tôi cho rằng, đây là tín hiệu vui, các trường đào tạo ngành này có thể lựa chọn những sinh viên chất lượng tốt hơn” - PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ