Khởi sắc tuyển sinh ngành sư phạm tại Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Đến nay, công tác tuyển sinh ngành Sư phạm các trường ĐH, CĐ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cơ bản hoàn tất.

Sinh viên sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp thực hành giảng dạy trong chương trình thực tập sư phạm.
Sinh viên sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp thực hành giảng dạy trong chương trình thực tập sư phạm.

Qua thống kê, điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay tăng so với các năm trước. Nhiều ngành sư phạm có điểm chuẩn nằm trong tốp đầu của các trường…

Điểm chuẩn sư phạm tốp đầu

Thống kê điểm chuẩn năm 2020 các trường ĐH, CĐ ở khu vực ĐBSCL cho thấy ngành sư phạm luôn nằm ở tốp đầu các ngành có điểm chuẩn cao. Theo lãnh đạo các trường, những năm gần đây, khối ngành sức khỏe và sư phạm luôn có điểm chuẩn cao để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Chỉ tiêu ngành sư phạm cũng được điều chỉnh, phân bổ phù hợp với nhu cầu của các địa phương và đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới.

Trường ĐH Cần Thơ có Khoa Sư phạm đóng vai trò chủ chốt đào tạo giáo viên cho vùng. Năm 2020, điểm chuẩn tuyển sinh vào các ngành sư phạm của trường khá cao. Theo đó, Trường ĐH Cần Thơ lấy điểm chuẩn cao nhất ngành Kinh doanh quốc tế 25,75 (tăng 3,5 điểm so với năm ngoái) thì ngành Sư phạm Toán cũng 24 điểm.  Các ngành sư phạm còn lại cũng có điểm chuẩn từ 18,50 đến 24.

Trường ĐH Trà Vinh, nhóm ngành sức khỏe có điểm chuẩn cao nhất: Y khoa 25,2; Răng Hàm Mặt 25; Dược học 21; Kỹ thuật xét nghiệm y học 20,85. Điểm chuẩn cao kế tiếp thuộc các ngành sư phạm như Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm tiếng Khmer với 18,5 điểm. Điểm chuẩn năm nay của trường cao hơn năm ngoái 1-3 điểm. Năm 2020, Trường ĐH Trà Vinh tuyển sinh trên toàn quốc với 55 ngành đại học. Sinh viên được miễn học phí khi theo học các ngành hệ chính quy như Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Tiếng Khmer, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học…

Trường ĐH Kiên Giang lấy điểm chuẩn từ 14 - 18,5, không tăng cao so với năm ngoái. Trừ ngành Sư phạm Toán học lấy 18,5; ngành Quản trị kinh doanh lấy 17 điểm, tất cả ngành còn lại lấy 14 điểm… Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, các ngành có điểm chuẩn cao của trường gồm: Sư phạm Toán học 18,5; Quản trị kinh doanh 17 điểm…

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long lấy điểm chuẩn tương đương năm ngoái (khoảng 15 điểm). Đối với ngành sư phạm điểm chuẩn tăng, như ngành Sư phạm Công nghệ và một số ngành chuyên sâu lấy 18,5 điểm… Trường ĐH Bạc Liêu lấy điểm chuẩn 15, tăng 1 điểm so với năm ngoái ở tất cả ngành. Tuy nhiên, ngành có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là CĐ Giáo dục Mầm non (18 điểm). Theo Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Đồng Tháp, điểm trúng tuyển các ngành sư phạm của trường từ 17,5 - 20 điểm. Trong đó, ngành Sư phạm Tiểu học có điểm chuẩn cao nhất là 20 điểm…

Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ (Trường ĐH Đồng Tháp) trong giờ thảo luận nhóm.
Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ (Trường ĐH Đồng Tháp) trong giờ thảo luận nhóm.

Chính sách tạo sức hút

Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, năm 2020, Bộ GD&ĐT tăng thêm chỉ tiêu cho 13 ngành đào tạo sư phạm của trường, nâng tổng chỉ tiêu tuyển của khối ngành này lên khoảng 1.500 sinh viên. Việc tăng chỉ tiêu cho các trường đại học trọng điểm cả nước nói chung, của Trường ÐH Cần Thơ nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên phục vụ Chương trình GDPT mới của ÐBSCL và cả nước. Bên cạnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sư phạm, Trường ÐH Cần Thơ bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới là xét tuyển điểm học bạ THPT, với điều kiện thí sinh phải đạt học lực loại giỏi năm lớp 12 (riêng ngành Giáo dục thể chất chỉ cần đạt loại khá)…

Trong những năm qua, ngành sư phạm có sức hút đối với thí sinh và điểm chuẩn tăng vì có những chính sách ưu đãi, đặc biệt là thực hiện Luật Giáo dục mới. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 15/11/2020). Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng. Cụ thể, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học, được Nhà nước hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường...

Nguyễn Thị Bích Ngân, tân sinh viên ngành CĐ Giáo dục Mầm non, Trường CĐ Cần Thơ chia sẻ: “Em yêu thích ngành Giáo dục Mầm non và rất vui mừng khi trúng tuyển vào ngành học mong muốn. Do hoàn cảnh gia đình và khả năng bản thân phù hợp nên em quyết định theo học sư phạm. Học sư phạm sẽ được hỗ trợ một số chính sách nên bản thân em và gia đình sẽ giảm gánh nặng chi phí rất nhiều. Em sẽ nỗ lực học tập tốt để làm việc tại quê nhà”.

ĐBSCL chưa có trường đại học sư phạm để đào tạo giáo viên từ tiểu học đến THPT có trình độ cử nhân, đáp ứng Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 7/2020. Để bảo đảm ổn định lực lượng giáo viên tiểu học, THCS trong giai đoạn chuyển tiếp thực hiện luật mới, đề xuất Bộ GD&ĐT có cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL được tiếp tục đào tạo giáo viên tiểu học và THCS bậc cao đẳng. Sau đó, sinh viên tiếp tục học đại học bằng hình thức vừa làm vừa học để đạt chuẩn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.