Khá giả nhờ nuôi gà ta thả vườn ở xứ Mường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi nghỉ hưu, bà Triệu Thị Thanh dùng đồng lương ít ỏi tích lũy bấy lâu để đầu tư nuôi gà ta thả vườn và thu về 250 triệu đồng mỗi năm.

Bà Thanh vui mừng khi đàn gà phát triển tốt.
Bà Thanh vui mừng khi đàn gà phát triển tốt.

Bà Triệu Thị Thanh (xóm Đồng Chụa, phường Thống Nhất, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nuôi 1.200 con gà ta thả vườn phát triển kinh tế. Đàn gà của bà nuôi đến đâu, thương lái mua hết đến đó. Nhờ vậy thu nhập của gia đình bà không ngừng tăng lên. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà có lãi khoảng 250 triệu đồng từ nuôi gà.

Nghỉ hưu về nuôi gà phát triển kinh tế

Bà Thanh cho biết: “Trước kia, tôi làm giáo viên. Sau khi nghỉ hưu, tôi thấy lương hưu thấp, không đủ chi tiêu nên đã có ý tưởng nuôi gà ta thả vườn nhằm tăng cao nguồn thu nhập cho gia đình. Nghĩ là làm, tôi đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm ra đầu tư xây chuồng trại, mua con giống về nuôi. Nhờ đó, mà thu nhập của gia đình tôi đã được cải thiện và có cơ ngơi khang trang”.

Bà Thanh đang kiểm tra sức khoẻ cho đàn gà.

Bà Thanh đang kiểm tra sức khoẻ cho đàn gà.

Ban đầu, bà Thanh nuôi khoảng 500 con gà thả đồi. Trong quá trình chăm sóc bà thấy giống gà ta có khả năng kháng bệnh tốt, tăng trưởng nhanh, giá giống rẻ. Sau khoảng 4 tháng, đàn gà được xuất bán cho thu nhập khá. Từ đó, gia đình bà Thanh dần mở rộng quy mô, mỗi lứa nuôi từ 1.000 - 1.200 con và nuôi gối 4 lứa/năm, bảo đảm lúc nào cũng có gà thương phẩm bán ra thị trường.

Bà Thanh kể: “Nuôi gà ta không khó, nếu nắm được các loại bệnh, chăm sóc đúng cách, bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ bệnh đầy đủ là đã thành công hơn nửa. Trong quá trình nuôi tôi chủ yếu cho gà ăn ngô, sắn xay nhuyễn, thỉnh thoảng bổ sung thêm chút rau xanh cho đàn gà ăn. Vì vậy, đàn gà của gia đình tôi nuôi đều có thịt săn chắc, được nhiều khách hàng, thương lái tin tưởng đến tận nhà thu mua với giá cao”.

Nhờ chăm sóc tốt đàn gà ta của bà Thanh phát triển khoẻ mạnh.

Nhờ chăm sóc tốt đàn gà ta của bà Thanh phát triển khoẻ mạnh.

Trong quá trình nuôi, để đàn gà ta thả đổi phát triển tốt, tránh bệnh tật, bà Thanh đã tiêm vắc xin đầy đủ. Hàng ngày, bà đều theo dõi quá trình ăn uống của đàn gà, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Bên cạnh đó, bà Thanh còn phun thuốc sát trùng chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi mỗi tuần. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, bà cũng đầu tư hệ thống bóng điện chiếu sáng, bóng sưởi giữ ấm cho gà vào mùa đông, nhất là giai đoạn úm gà con. Vườn thả cũng được bà Thanh khoanh lưới B40 để gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài.

Hiện nay, gia đình bà Thanh đang nuôi khoảng 1.500 con gà ta, chuẩn bị cung ứng ra thị trường vào tháng 12 này. Với mức bán buôn cho các thương lái dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, việc chăn nuôi gà của gia đình bà đã cho thu nhập cao. Đây chính là động lực để bà Thanh tiếp tục đầu tư vào nuôi gà thả đồi.

Bà Thanh đang cho đàn gà ăn ngô tại chuồng trại.

Bà Thanh đang cho đàn gà ăn ngô tại chuồng trại.

Thu nhập cao từ nuôi gà ta

Bà Thanh cho biết: “Mỗi lứa sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng từ 55 - 65 triệu đồng, tùy theo giá cả của thị trường. Tổng mỗi năm tôi thu lãi khoảng 250 triệu đồng từ nuôi gà. Nhờ nuôi gà ta mà cuộc sống của gia đình ngày càng sung túc và khá giả hơn”.

Trong những năm gần đây, mô hình nuôi gà ta đang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố Hoà Bình. Bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, không riêng gì gia đình bà Thanh, mà còn nhiều hộ khác cũng có thu nhập cao từ việc nuôi gà ta. Nhờ đó, mà cuộc sống của nhiều nông hộ đã thoát nghèo và ngày càng trở nên khấm khá hơn so với trồng lúa và trồng ngô trước đây.

Ngoài nuôi gà ta, bà Thanh còn trồng bưởi da xanh.

Ngoài nuôi gà ta, bà Thanh còn trồng bưởi da xanh.

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết: "Thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền vận động, tập huấn cho bà con phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi. Chúng tôi thấy nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị kinh tế cao, trong đó nuôi gà ta thả vườn, thả đồi. Để giúp các hộ dân phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi, chúng tôi đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trong vấn đề chăn nuôi. Từ đó, giúp bà con có kiến thức phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi".

Theo ông Biên: Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và người tiêu dùng cũng thay đổi và đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm.

"Ngày trước, người dân có quan niệm "ăn no mặc ấm", giờ chuyển sang tiêu chí "ăn ngon mặc đẹp". Vì thế, người tiêu dùng không ưa chuộng thực phẩm được nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Khách hàng muốn thưởng thức loại gà có thịt săn chắc, vì thế mà gà ta thả đồi luôn được thu mua tiêu thụ với số lượng lớn. Tôi cho rằng, nghề nuôi gà ta sẽ có giá cả ổn định trong thời gian tới", ông Biên thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.