Nhiều hộ ở huyện Cao Phong thoát nghèo nhờ trồng cam

GD&TĐ - Nhiều nông hộ ở huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình trồng cam trên đất dốc có cuộc sống dư dả, xây nhà cửa bề thế và sắm sửa ô tô.

Nhiều hộ dân ở huyện Cao Phong đã thoát nghèo nhờ trồng cam.
Nhiều hộ dân ở huyện Cao Phong đã thoát nghèo nhờ trồng cam.

Tuyên truyền người dân trồng cây ăn quả

Huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả có múi như: Cam Canh, cam Vinh, bưởi Da Xanh, bưởi đỏ. Nhờ triển khai các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền vận động của Tỉnh, Huyện uỷ, UBND huyện về chương trình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, những năm qua người dân ở huyện Cao Phong đã chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng cam, bưởi... Từ những bước đi quan trọng đó, huyện Cao Phong đã trở thành thủ phủ cam lớn nhất tỉnh Hoà Bình, cùng với đó đời sống của người dân không ngừng được tăng lên rõ rệt.

Trước đây, bà con chỉ sống dựa vào nương rẫy và canh tác theo hướng truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ thì nay nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên. Bằng những biện pháp tuyên truyền hiệu quả của chính quyền và các cấp ban ngành, đoàn thể, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Từ đó sản lượng nông sản ngày một tăng cao, thu nhập của bà con cũng vì thế mà cải thiện. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo tại địa phương.

Bà Thu đang chăm sóc cây cam tại vườn.

Bà Thu đang chăm sóc cây cam tại vườn.

Gia đình bà Đặng Thị Thu sinh sống ở Khu 2, thị trấn Cao Phong, trước đây chỉ trồng ngô và trồng ít cây ăn quả phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do chưa am hiểu về kỹ thuật chăm sóc nên sản lượng cây trồng thu hoạch không cao, nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ và tuyên truyền của cán bộ khuyến nông, chuyên viên phòng nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tưới tiêu, bón phân nên bà Thu đã áp dụng thành công vào vườn cây của mình.

Bà Thu cho biết: "Tôi trồng cam Canh trên đất vườn từ năm 2006 nhưng lúc đó trồng không nhiều, chủ yếu là để ăn là chính. Sau rồi, được huyện tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của việc trồng cam, đồng thời được trợ giúp kỹ thuật chăm sóc. Vì vậy, tôi đã mua cây giống ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) mang về trồng trên 3ha với số lượng hơn 5.000 gốc. Tiếp đó, tôi đầu tư vốn mua máy bơm, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước khắp vườn, để thuận lợi cho việc tưới tiêu vườn cam Canh phát triển tốt hơn. Từ khi chuyển sang trồng cam, thu nhập của gia đình tôi cao hẳn lên so với trồng ngô trước đây. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình đã dư dả lên nhiều".

Bà Thu vui mừng khi vườn cam sai quả.

Bà Thu vui mừng khi vườn cam sai quả.

Theo bà Thu, trước khi trồng cam Canh, bà đào hố rộng 20 - 30cm, sâu 30cm và bón phân lót rồi đưa cây giống xuống trồng. Để vườn cây phát triển xanh tốt, bà dùng phân hữu cơ kết hợp với phân chuồng, ủ đậu tương cùng với ngô ngâm trong bể phốt khoảng 7 tháng. Sau đó, bà lấy nước bón cho cây trồng tại vườn. Thời điểm cam ra hoa, bà tiến hành phun thuốc sinh học để cây không bị dịch bệnh và tỷ lệ đậu quả cao hơn. Nhờ cách làm này, 3ha vườn cam Canh của gia đình bà luôn sinh trưởng tươi tốt và cho sai trĩu quả.

Bà Đặng Thị Thu cho biết: "Sau một vụ thu hoạch quả, tôi tiến hành cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm tiếp theo cây cho quả tiếp. Tôi tiếp tục bón phân thúc phân NPK, phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian nuôi quả. Từ khi tôi trồng cam Canh đến giờ, thu nhập của gia đình luôn tăng cao hơn so với trồng mận hậu trước đây, đời sống kinh tế đã dư dả hơn, không còn nghèo túng như trước nữa".

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả với người dân.

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả với người dân.

Thoát nghèo nhờ trồng cam

“Bình quân 1kg cam Canh đầu vụ, tôi bán tại vườn với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, giữa vụ thì giảm xuống chút ít, nhưng nhìn chung cam Canh bán vẫn có giá cao hơn các loại cây trái khác. Cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái ở Hà Nội, TP. Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình và các tiểu thương trên địa bàn huyện đều đến tận vườn mua nên đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Sau khi trừ chi phí, trung bình 1 năm gia đình tôi có lãi hơn 2 tỷ đồng”- bà Thu nói.

Anh Phạm Văn Bách, hộ nông dân trồng cam, thị trấn Cao Phong cho biết, trồng cam là nguồn thu chính trong gia đình. Nhà anh Bách trồng 2 loại cam chính là cam lòng vàng CS1 và cam canh. Trong những năm gần đây, gia đình anh Bách chú trọng vào chất lượng chứ không đi sâu vào số lượng. Trồng cam theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm.

Người dân có cuộc sống giàu sang nhờ trồng cam.

Người dân có cuộc sống giàu sang nhờ trồng cam.

Anh Bách cho biết: "Từ lúc trồng cam đến giờ, gia đình tôi có thu nhập cao hơn. Giờ tôi đã trả được hết nợ nần trước đây. Tôi đã xây được nhà và mua được ô tô. Cuộc sống của gia đình tôi hiện nay không còn phải lo thiếu thốn thứ gì. Được như ngày hôm nay, tôi cảm ơn huyện và chính quyền địa phương đã hỗ trợ và hướng cách chăm sóc cây ăn quả".

Theo thống kê, hiện toàn huyện Cao Phong có trên 1.740 ha cây ăn quả có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 22.000 tấn. Trong đó, riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng ước đạt 18.000 tấn; diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có 536,77 ha.

Ông Hà Văn Di, Bí thư huyện Cao Phong cho biết: Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi như: Cam, bưởi đã mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người nông dân. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định từ việc bán cam. Có hộ còn xây được nhà kiên cố, mua được ô tô, mức sống và thu nhập của bà con ngày càng cao. Những năm qua, huyện luôn nỗ lực quảng bá sản phẩm cam, bưởi đến với các thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hoà Bình cắt băng khánh thành tại lễ xuất lô hàng cam Cao Phong sang Vương Quốc Anh.

Lãnh đạo tỉnh Hoà Bình cắt băng khánh thành tại lễ xuất lô hàng cam Cao Phong sang Vương Quốc Anh.

“Huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con, giúp người dân yên tâm gắn bó với nông nghiệp. Vừa qua, huyện cũng đã xuất khẩu 7 tấn cam ra thị trường Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, huyện đã nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho vùng tái canh với 7 công trình hồ, đập, 6.700 km kênh mương, tổng kinh phí dự kiến trên 21 tỷ đồng”, ông Di thông tin.

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết: Thời gian qua, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng cây ăn quả có múi. Đồng thời, bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, có cơ ngơi khang trang và khấm khá từ việc trồng cây ăn quả như: Cam, bưởi ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thuỷ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.