Người dân vùng biên giới Sông Mã thoát nghèo nhờ trồng nhãn

GD&TĐ - Những năm qua, nhiều nông hộ ở huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) đã thoát nghèo và xây được nhà cửa khang trang, sắm ô tô từ việc trồng nhãn.

Người dân đang hái nhãn bán cho các thương lái.
Người dân đang hái nhãn bán cho các thương lái.

Cuộc sống đổi thay từ trồng nhãn

Từ lâu, huyện Sông Mã được nhiều người biết đến là thủ phủ nhãn của tỉnh Sơn La. Trước đây, tại các triền đồi bà con dân tộc nơi đây chủ yếu trồng ngô, sắn, nay đã được thay thế bởi những vườn nhãn xanh bạt ngàn. Hàng năm mỗi khi vào vụ thu hoạch, cây nhãn cho quả sai trĩu, đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con các dân tộc. Nhiều hộ đã thoát nghèo và có cuộc sống dư giả từ việc bán nhãn.

Anh Bùi Sơn Hậu, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương chia sẻ, gia đình anh có 3ha nhãn Miền Thiết. Đa số đều ghép trên cây nhãn địa phương, khi ghép lên khoảng 2 năm sau cho quả bói. Anh Hậu ghép nhãn lên cây nhãn địa phương từ năm 2010, anh lấy mắt ghép từ huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

“Trong quá trình chăm sóc được sự quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật của phòng NN&PTNT huyện, vườn nhãn của tôi phát triển tốt và cho quả đều mỗi năm. Trước đây, cuộc sống của tôi khó khăn chồng chất, làm việc tối tăm mặt mũi nhưng vẫn nghèo. Từ lúc ghép nhãn Miền Thiết đến nay, thu nhập của gia đình tôi ngày càng tăng cao và dần thoát nghèo”, anh Hậu cho biết.

Ông Lò Văn Biển phấn khởi khi năm nay nhãn được mùa.

Ông Lò Văn Biển phấn khởi khi năm nay nhãn được mùa.

Theo anh Hậu, sau thời gian gắn bó với cây nhãn, gia đình anh đã tìm tòi và phát triển sản phẩm theo quy trình VietGAP. Tất cả khâu chăm sóc, bón phân đều có nhật ký ghi chép lại đầy đủ. Nhờ cách làm hay này, vườn nhãn cho quả to đều và mọng nước. Mỗi năm anh thu hoạch được hơn 45 tấn nhãn tươi, giá cả bán ra tuỳ theo thị trường. Những năm trước thì anh bán với giá hơn 21.000 đồng/kg, nhưng thời gian gần đây giá cả nhãn liên tục xuống thấp. Tuy nhiên so với các loại cây trồng khác, cây nhãn vẫn mang lại cho gia đình anh thu nhập cao hơn.

“Riêng năm ngoái (2022), sau khi trừ chi phí tôi lãi gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tạo công ăn việc làm cho 2 người công nhân, với mức lương 6 triệu đồng/tháng”, anh Hậu nói.

Nhãn là loại cây đã gắn bó với người dân nhiều vùng của huyện Sông Mã hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, đến năm 2009 1 bước ngoặt đối với người trồng nhãn nơi đây đã xuất hiện, đó là việc triển khai nhân rộng mô hình nhãn ghép. Thời gian trước, việc sản xuất của các hộ nông dân huyện Sông Mã phần lớn là tự phát, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn không thuận lợi.

Huyện Sông Mã được mệnh danh là thủ phủ nhãn của tỉnh Sơn La.

Huyện Sông Mã được mệnh danh là thủ phủ nhãn của tỉnh Sơn La.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho hay: "Để thực hiện cho được chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp, phòng NN&PNT huyện đã tuyên truyền, vận đồng bà con trồng cây nhãn trên đất dốc. Đồng thời, huyện xác định nhãn là cây chủ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng, nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Đến nay, thực tế đó đã cho thấy cây nhãn ghép đã mang lại những hiệu quả quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của địa phương".

Theo ông Sinh, huyện còn tạo điều kiện và hỗ trợ cho bà con về mặt kỹ thuật chăm sóc cây trồng, xây dựng và giao chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn của từng địa phương. Có thể thấy, mấy năm trở lại đây nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống dư giả hơn và thu nhập cao hơn từ trồng nhãn. Đây là 1 niềm vui lớn đối với huyện.

Những chùm nhãn Miền Thiết sai trĩu quả tại vườn.

Những chùm nhãn Miền Thiết sai trĩu quả tại vườn.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của bà con các dân tộc trong huyện đã tạo đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, đã xây dựng được nhiều mô hình cây ăn quả, nhất là cây nhãn có giá trị kinh tế cao, mang lợi nhuận cao cho nông dân.

Ông Lò Văn Quý, xã Yên Hưng cho biết: "Thời gian trước, tôi chủ yếu trồng ngô nhưng giá cả bấp bênh, không đủ chi phí con giống và phân bón, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tình cờ tôi thấy các hộ dân ở huyện Mai Sơn (Sơn La), trồng nhãn Miền Thiết cho thu nhập khá cao, vì vậy tôi đã đi học tập kinh nghiệm và mua cây giống về trồng trên nương".

“Tôi chuyển toàn bộ diện tích 3,5 ha đất nương sang trồng nhãn, khoảng 5 năm sau thì cho quả bói. Sau đó tôi tiếp tục chăm sóc, bón phân, tỉa cành, nhờ đó vườn nhãn ngày càng phát triển xanh tốt. Tính đến nay, tôi đã trồng nhãn được 6 năm. Cũng nhờ trồng nhãn mà gia đình tôi đã thoát nghèo, có thu nhập khá hơn. Mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 38 tấn nhãn tươi. Tuỳ theo giá cả thị trường, bình quân tôi lãi gần 300 triệu đồng”, ông Quý cho biết.

Nhờ trồng nhãn mà anh Hậu có cuộc sống sung túc.

Nhờ trồng nhãn mà anh Hậu có cuộc sống sung túc.

Cây xóa nghèo của người dân vùng biên giới

Những năm qua, do thấy nhãn Miền Thiết cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình ở các bản, các xã trên địa bàn huyện biên giới Sông Mã đã chuyển đổi diện tích nương ngô sang trồng nhãn. Đến nay, số diện tích nương rẫy bỏ hoang đã được phủ xanh bởi các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Nhãn, xoài... với mong muốn làm giàu trên vùng đất quê hương của mình.

Ông Lò Văn Dũng, bản Nà Nghịu, xã Nà Nghịu chia sẻ: “Tôi trước đây hoàn cảnh, khó khăn lắm. Tôi không nghĩ mình có cơ ngơi như bây giờ. Nhận được thành quả như hôm nay là nhờ vào cây nhãn Miền Thiết. Cùng với đó, là nhờ vào sự quan tâm của UBND huyện đã mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho chúng tôi. Hiện nay, giá cả của nhãn đang bão hoà không bán được cao như những năm trước. Tuy nhiên, so với các loại cây trồng khác, nhãn vẫn mang lại thu nhập ổn hơn”.

Nhãn được người dân thu hoạch và đóng thùng bán cho thương lái.

Nhãn được người dân thu hoạch và đóng thùng bán cho thương lái.

Hiện thực hóa chủ trương của tỉnh Sơn La về cây trồng trên đất dốc, đến nay việc trồng cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại lợi ích kinh tế cao, giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sống bền vững. Có thể nói, đến nay huyện Sông Mã đang có bước chuyển mình tích cực trong cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều trang trại, hợp tác xã đang có lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Mã, nhãn là cây chủ lực giúp bà con thoát nghèo.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Mã, nhãn là cây chủ lực giúp bà con thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Mã cho hay: Nhiều năm qua, các nông hộ trồng nhãn trên địa bàn huyện đã có thu nhập khá, đời sống của bà con được nâng lên rõ nét. Nhiều hộ sinh sống ở xã Yên Hưng, Nà Nghịu, Chiềng Khương... đã xây được nhà cửa, sắm ô tô từ việc bán nhãn. Có thể nói, nhãn là cây xóa nghèo cho bà con dân tộc biên giới trong suốt thời gian qua.

"Để nhân rộng mô hình cây ăn quả, giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả trên đất dốc. Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho bà con. Qua đó, giúp người dân thoát nghèo và gắn bó với nông nghiệp", ông Hải nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ