Mỹ và các đồng minh đã sử dụng "vũ khí hạt nhân tài chính" để chống lại Nga nhưng biện pháp cứng rắn này vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của phương Tây. Nhà phân tích người Nhật Bản Masahiko Takeda đưa ra nhận định trên trong một bài viết cho tờ 19FortyFive.
Cụ thể, sau khi bắt đầu nổ ra cuộc chiến Ukraine, Hoa Kỳ và một số đối tác của họ đã áp đặt vô số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, chúng được chia thành hai nhóm - thực tế và tài chính.
Nhóm thứ nhất nhằm hạn chế tiềm năng thương mại quốc tế của Liên bang Nga, trong khi nhóm thứ hai bao gồm việc đóng băng tài sản của Nga được lưu trữ ở nước ngoài. Theo chuyên gia Masahiko Takeda, hiệu quả của những biện pháp này hóa ra hoàn toàn khác với những gì phương Tây dự kiến ban đầu.
“GDP của Nga dự kiến sẽ giảm 3,4% vào năm 2022. Nhưng mức độ thiệt hại thực tế hóa ra ít hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu”, tác giả bài viết trên ấn phẩm Mỹ cho biết.
Chuyên gia Takeda lưu ý rằng trong số các biện pháp trừng phạt chống Nga do phương Tây áp đặt có một bước đi được coi là "vũ khí hạt nhân tài chính", đó là việc ngắt kết nối của các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT).
Tuy nhiên sau khi biện pháp này được thông qua, hóa ra thiệt hại không đến mức "vô cùng khủng khiếp" đối với Nga, bởi Moskva vẫn tiếp cận được nguồn tiền qua nhiều kênh khác nhau.
Rõ ràng có nhiều kẽ hở cho phép Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây, tình huống với việc bị ngắt kết nối SWIFT là bằng chứng điển hình cho ý kiến này.
“Việc loại trừ Nga khỏi hệ thống SWIFT ban đầu được quảng cáo là "vũ khí hạt nhân tài chính", tuy vậy thực tế cho thấy đây là một phép so sánh phóng đại quá mức".
"SWIFT chỉ đơn giản là một ứng dụng nhắn tin thường được sử dụng để chuyển tiền quốc tế. Mặc dù việc loại trừ nó chắc chắn gây ra sự bất tiện, nhưng có những phương tiện liên lạc khác để gửi hướng dẫn chuyển tiền xuyên biên giới”, nhà phân tích cho biết.
Biện pháp loại trừ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) không thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng. |
Không chỉ có vậy, phương Tây còn đang gặp khó trong việc cố gắng tịch thu số tiền hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga mà họ tuyên bố đã phong tỏa.
Hiện tại không một hệ thống tập trung nào có thể chứa thông tin về số lượng quốc gia nắm giữ tài sản của Nga thuộc diện bị tịch thu. Vào đầu tháng 12/2022, giới truyền thông biết rằng Mỹ và EU chỉ có thể tìm thấy 80 - 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối tại nước ngoài trong tổng số tiền hơn 300 tỷ USD của Moskva.
Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, việc cố gắng "đánh cắp" tài sản của Nga rất dễ dẫn đến hành động trả đũa tương tự do Moskva đưa ra nhằm vào những công ty phương Tây đang hoạt động trên lãnh thổ nước này.
Nghiêm trọng nhất, việc tịch thu tài sản của Nga và hành động trả đũa sau đó mà Moskva có thể đưa ra trên thực tế sẽ làm mất hoàn toàn giá trị của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực tài chính, trong khi Mỹ cùng các đồng minh lại cố gắng duy trì điều này, phương Tây rõ ràng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.