Cường kích MiG-27 Flogger-D/J là phiên bản tấn công mặt đất được phát triển từ tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23 Flogger, chính vì vậy giữa hai loại máy bay có rất nhiều nét tương đồng về ngoại hình.
Thay đổi đáng kể nhất so với MiG-23 là khung thân MiG-27 to hơn một chút cho phù hợp với việc mang tải trọng vũ khí nặng, đi kèm phần mũi sửa đổi kiểu "mỏ vịt" để loại bỏ radar và thay thế bằng hệ thống dẫn đường quang điện tử.
Máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe MiG-27 có chiều dài 17,08 m; sải cánh 13,97 m khi xòe và 7,78 m khi cụp; chiều cao 5 m; trọng lượng rỗng 11,9 tấn; trọng lượng cất cánh tối đa 20,6 tấn.
Trái tim của cường kích MiG-27 chính là động cơ turbine phản lực Khatchaturov R-29B-300 cung cấp lực đẩy khô 78,5 kN và lên tới 112,8 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội.
Chiếc chiến đấu cơ đặc biệt này đạt tốc độ tối đa 1.885 km/h ở độ cao lớn hay 1.350 km/h khi bay bám biển; bán kính chiến đấu 780 km; tầm bay chuyển sân 2.500 km; trần bay 14.000 m; vận tốc leo cao 200 m/s.
MiG-27 mang được 4 tấn vũ khí trên 7 giá treo ở cánh và thân, bao gồm các loại bom, tên lửa không đối đất điều khiển bằng laser, TV hay bom rơi tự do, máy bay còn có 1 khẩu pháo GSh-6-30 cỡ 30 mm với cơ số 260 viên đạn.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường, MiG-27 thường mang tên lửa không đối không tầm ngắn R-60 để tự vệ, tuy vậy khả năng không chiến của nó khá hạn chế.
Cường kích MiG-27 Bahadur được sản xuất theo giấy phép tại Ấn Độ. |
So sánh với một chiếc cường kích khác là Su-22 của Sukhoi thì MiG-27 do Mikoyan được đánh giá cao hơn ở khả năng vận động, đặc biệt là ở độ cao thấp do không còn sử dụng đôi cánh cụp - xòe kiểu "nửa vời".
Ngoài ra hệ thống ngắm bắn quang điện tử của MiG-27 có trường nhìn rộng, cho phép tấn công mục tiêu mặt đất ở góc hẹp, điều mà tổ hợp Klen-54/PS trên Su-22 không làm nổi.
Tuy vậy thật đáng ngạc nhiên khi hiện tại toàn bộ phi đội MiG-27 trên thế giới đã được cho nghỉ hưu, trong khi Su-22 vẫn còn được khá nhiều lực lượng không quân sử dụng.
Nhà khai thác lớn nhất đối với MiG-27 là Không quân Ấn Độ đã loại biên hết phiên bản phổ biến MiG-27ML vào năm 2020, họ chỉ lại một vài chiếc đang trong quá trình thử nghiệm nâng cấp lên chuẩn MiG-27UPG tại căn cứ Jodhpur.
Tuy tích hợp hệ thống điện tử mới nhưng khung thân và động cơ của máy bay đã quá cũ, việc cố gắng kéo dài thời gian hoạt động của MiG-27 khi nó đã hết dự trữ khai thác được cho là không mang lại lợi ích đáng kể.
Chính vì vậy sau thời gian cân nhắc, Ấn Độ cũng loại biên nốt những chiếc MiG-27UPG thử nghiệm của họ, đánh dấu chấm hết thời kỳ hoạt động của chiếc cường kích cánh cụp cánh xòe này.
Theo giới phân tích, MiG-27 được xem như "anh hùng không gặp thời", nếu nó ra đời trong một hoàn cảnh khác và có thành tích thực chiến thì nhiều khả năng sẽ được phục vụ lâu hơn.
Số phận của MiG-27 còn thực sự gây tiếc nuối khi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 với cấu hình cánh cụp cánh xòe tương tự vẫn đang được Không quân và Hải quân Nga tích cực sử dụng.