Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục: Cần nhiều lực lượng chung tay

GD&TĐ - Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình này cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại, cần giải pháp căn cơ để khắc phục.

Khuôn viên Trường THCS Thượng Nhật (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Hữu Cường
Khuôn viên Trường THCS Thượng Nhật (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Hữu Cường

Khó khăn phát sinh

Tại Bắc Kạn, năm học vừa qua, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát cụ thể số trường, lớp, HS tính đến năm 2020 để xây dựng kế hoạch phát triển GD-ĐT sát với thực tế của địa phương, đơn vị, đảm bảo chất lượng dạy và học. Thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chỉnh các điểm trường, quy mô lớp học phù hợp, bảo đảm bố trí đủ sĩ số HS trên lớp học theo các cấp học, bậc học. Với những trường có diện tích phòng học nhỏ không sắp xếp được số lượng HS theo quy định thì sắp xếp theo thực tế.

Tỉnh này cũng tiếp tục thực hiện sáp nhập các trường tiểu học, THCS dưới 120 HS; các trường có trên 120 HS thì xem xét sáp nhập khi có điều kiện. Thực hiện xóa các điểm trường nằm gần trường chính mà điều kiện đi lại thuận lợi cho HS. Với các điểm trường xa trường chính, xem xét đưa HS lớp 4, lớp 5 về học tại trường chính nếu bố trí, sắp xếp được nhà nội trú. Dồn ghép hợp lý các điểm trường xa trường chính, các trường học có ít HS trong một xã và giữa các xã giáp ranh.

Sau khi rà soát quy mô trường lớp năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Bắc Kạn có 318 trường mầm non, phổ thông. So với năm học 2017 - 2018, các trường mầm non, phổ thông giảm 6 trường công lập, tăng 1 trường tư thục và giảm 42 điểm trường.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, công tác rà soát, quy hoạch lại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn trong bố trí đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), GV, nhân viên và việc duy trì trường chuẩn quốc gia. Nguyên nhân, sau khi rà soát, quy hoạch lại các cơ sở giáo dục dẫn đến tình trạng thừa CBQL, GV, nhân viên, khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ. Bên cạnh đó, với trường đã đạt chuẩn, sau khi sáp nhập với trường khác dẫn đến không đạt chuẩn so với tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Trường học vùng cao Tây Bắc. Ảnh Internet
 Trường học vùng cao Tây Bắc. Ảnh Internet

Cần sự chung tay của nhiều lực lượng

Chia sẻ công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp của tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho biết: Trong nhiều năm qua, lãnh đạo Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong việc rà soát quy mô trường lớp, đội ngũ và xác định lộ trình sắp xếp phù hợp để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Sau 5 năm (từ năm học 2013 - 2014 đến hết năm học 2018 - 2019), quy mô chung toàn tỉnh giảm 32 trường công lập trong đó cấp tiểu học giảm 30 trường.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng cho biết, do điều kiện thực tế của từng địa phương nên nhìn chung quy mô trường vẫn còn nhỏ lẻ, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở vật chất để đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học.

Trong thời gian tới, Vĩnh Long tiếp tục sắp xếp theo hướng đến năm 2021 mỗi xã có không quá 2 trường tiểu học với mô hình một trường nhiều điểm học trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương (bao gồm cả trường tiểu học có nhiều cấp học), giảm các lớp có số lượng HS dưới 70% số lượng tối đa theo quy định. Việc sắp xếp trường lớp gắn chặt với sắp xếp đội ngũ, giải quyết hiệu quả và hợp lý từng trường hợp dôi dư.

Thông tin từ bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Một trong những mục tiêu của Đề án là tổ chức sắp xếp lại toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập...

Đến năm 2021 tỉnh tiếp tục giảm 25 trường tiểu học có quy mô nhỏ, đến năm 2025 giảm thêm 7 trường và 20 điểm lẻ các trường mầm non, tiểu học; điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý. Tinh gọn đầu mối bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại cơ cấu tổ chuyên môn, tổ công đoàn theo hướng tinh gọn; Sắp xếp, bố trí đội ngũ đúng định mức quy định; sắp xếp vị trí việc làm đảm bảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Nhìn nhận chung tồn tại, hạn chế của công tác rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trên cả nước, Bộ GD&ĐT cho biết: Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch lại mạng lưới và xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, không đồng nhất. Thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và thiếu trường, lớp mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chưa bám sát các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là gắn với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự phát triển của một số cơ sở đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số hiện vật bằng vàng trong Kho báu Staffordshire. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com

Kho báu Staffordshire

GD&TĐ - Năm 2009, Anh phát hiện kho báu khảo cổ gây chấn động thế giới ở Staffordshire.

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.