Xóa mù nơi biên giới Mường Lèo

GD&TĐ - Được sự chỉ dạy tận tình của các thầy giáo Đồn biên phòng Mường Lèo, ánh sáng tri thức đang mở ra với những người dân chưa từng đọc, viết nổi tên mình, điểm chỉ thay chữ ký...

Lớp học xóa mù bản Huổi Lạ, xã Mường Lèo (Sốp Cộp – Sơn La) luôn sáng đèn vào các tối trong tuần. Ảnh: ĐBP Mường Lèo cung cấp
Lớp học xóa mù bản Huổi Lạ, xã Mường Lèo (Sốp Cộp – Sơn La) luôn sáng đèn vào các tối trong tuần. Ảnh: ĐBP Mường Lèo cung cấp

Mang chữ về thôn bản

Đại úy Mai Thế Cảnh – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lèo (huyện Sốp Cộp - Sơn La) cho biết: Mường Lèo là một trong những xã khó khăn của huyện Sốp Cộp với 701 hộ, 3.875 nhân khẩu. Nơi đây, bà con 3 dân tộc Mông, Khơ mú, Thái cùng sinh sống. Công việc chính là làm nương rẫy, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, người dân lạc hậu.

Tại bản Huổi Lạ, học sinh học hết THCS không nhiều. Một số em học dở lớp 8, lớp 9 đã bỏ học để lấy vợ, lấy chồng và làm bố mẹ. Tình trạng mù chữ vẫn tồn tại nhiều năm nay nhưng chính quyền và ngành Giáo dục chưa thể tháo gỡ hoàn toàn.

Trước thực trạng này, lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc được Đồn Biên phòng Mường Lèo (BCH - BĐBP Sơn La) phối hợp với Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) tổ chức tại bản Huổi Lạ. Đồn giao nhiệm vụ dạy chính tại lớp học cho Thượng úy Thào A Chả - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Trung úy quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên trinh sát Mùa A Páo Tủa.

Lớp học trang bị kiến thức phổ cập từ lớp 1 - 5, trong đó trọng tâm là kèm cặp, giúp đỡ học viên biết cách đọc hiểu, viết, tính những phép tính đơn giản nhất để sử dụng và giao tiếp thông thường trong cuộc sống.

Đại úy Mai Thế Cảnh kể: Ngày đầu có 23 học viên tới lớp. Sau gần 1 tháng, sĩ số lớp tăng lên 30. Học viên tham dự đa phần là bà con dân tộc Mông độ tuổi từ 12 - 46. Hiện tại, lớp duy trì lịch học từ 19 giờ 30 – 21 giờ 30 các tối trong tuần tại điểm trường mầm non bản Huổi Lạ.

Đây không phải là lớp học xóa mù đầu tiên mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo tổ chức và trực tiếp dạy học. Trước đó, Đồn đã bế giảng 3 lớp xóa mù chữ tại các bản Pá Khoang, Huổi Luông, Huổi Áng (xã Mường Lèo) với tổng cộng hơn 80 học viên.

Lớp học xóa mù bản Huổi Lạ đủ thành phần lứa tuổi. Ảnh: ĐBP Mường Lèo cung cấp
Lớp học xóa mù bản Huổi Lạ đủ thành phần lứa tuổi. Ảnh: ĐBP Mường Lèo cung cấp

Lớp học đặc biệt giữa núi rừng

Thượng úy Thào A Chả - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng chia sẻ: Lớp học xóa mù của bà con dân tộc thường đa dạng từ tuổi tác, hoàn cảnh, trình độ, sức tiếp thu… Do đó, người dạy phải hiểu và chủ động, linh hoạt trong phương pháp giảng dạy.

Tại lớp học xóa mù bản Huổi Lạ, học viên nhiều tuổi nhất là bà Sồng Thị Sê, sinh năm 1974. Dù đã có cháu, nhưng bà Sê không biết đọc, viết. Bà đến lớp học cùng con gái cũng mù chữ với mong muốn có thể đọc viết thông thạo, làm được phép tính đơn giản. Như vậy, khi ra đường bà sẽ đọc được chữ, biết tính toán khi đi chợ, hiểu được chữ khi xem tivi có phụ đề…

Học viên ít tuổi nhất lớp là Thào Thị Dụ, sinh năm 2009. 12 tuổi nhưng em chưa một lần được tới trường. Nhìn chúng bạn đi học, Dụ cũng khát khao biết đọc, biết viết. Chính vì vậy, khi được cán bộ đồn biên phòng và bản vận động, em tự giác đến với lớp học xóa mù.

Dù học muộn so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng ít nhất từ lớp học xóa mù này Dụ có thể tự viết được tên mình, không phải dùng ngón tay để điểm chỉ khi cần kí vào những giấy tờ pháp lý... Đặc biệt, Thào Thị Dụ đọc được sách truyện – điều mà trước đây em hằng ao ước.

Tại lớp xóa mù bản Huổi Lạ, Giàng Thị Chú cũng là trường hợp đặc biệt. Các buổi tối, cô đến lớp cùng mẹ chồng và đứa con địu sau lưng. Con ngủ, con chơi ngoan thì mẹ tập đọc, tập viết. Con quấy khóc, mẹ đưa ra ngoài lớp cho bú và ru ngủ. Con no sữa và ngủ, Chú lại vào tập đọc và viết. Đến lớp là một hành trình vất vả, nhưng Giàng Thị Chú luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để không vắng mặt buổi nào.

Theo Thượng úy Thào A Chả, bà con dân tộc đến lớp học ban đầu còn rụt rè, ngượng ngùng đặc biệt với những người lớn tuổi, nam giới... Tuy nhiên, được giải thích, động viên, mọi người dần quen, bỏ qua mặc cảm, khoảng cách và chủ động hòa nhập.

“Lớp học nhiều thành phần, tiếp thu mỗi người một khác. Bà con chỉ nói tiếng dân tộc nên quá trình dạy học, các thầy giáo phải hết sức kiên nhẫn chỉ bảo. Chỗ nào nói tiếng Kinh bà con không hiểu thì dịch sang tiếng Mông. Phải tìm cách truyền đạt dễ hiểu nhất cho cả 30 học viên trong lớp. Chúng tôi thường xuyên động viên, không trách mắng học viên dù vừa học hôm trước hôm sau đã không nhớ…”, Thượng úy Thào A Chả chia sẻ.

Trung úy Mùa A Páo Tủa – người cùng dạy lớp học xóa mù bản Huổi Lạ cho hay: Bên cạnh công việc chuyên môn hàng ngày, chúng tôi kiêm việc dạy học lớp xóa mù. Dù bận hơn nhưng cũng là nhiệm vụ, tình cảm, trách nhiệm của chiến sĩ Đồn Mường Lèo với người dân sống tại địa bàn Đồn quản lý.

Trong những ngày này, Thượng úy Thào A Chả thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới thì Trung úy Mùa A Páo Tủa lại thay thế đứng lớp. Hai chiến sĩ thay phiên nhau duy trì để lớp học liền mạch, học viên không nghỉ bất cứ buổi nào. Bởi nếu việc học bị đứt quãng, gián đoạn bà con dễ ngại học và muốn nghỉ học.

Học viên đến lớp đều đặn và tiến bộ trong học tập. Nhưng đến thời điểm bà con bước vào vụ mùa, phải lao động sản xuất nhiều hơn thì việc tới lớp khó đông đủ. Đảm trách lớp học xóa mù, chúng tôi chỉ mong muốn người dân tới lớp đầy đủ, khó khăn mấy chúng tôi cũng giúp họ biết đọc viết, tiến bộ… - Trung úy Mùa A Páo Tủa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ