Vượt nghịch cảnh để yêu nghề

GD&TĐ - Phải mất nhiều lần thuyết phục, chị mới miễn cưỡng cho chúng tôi một lịch hẹn. Lý do duy nhất là chị không muốn kể lại những câu chuyện của mình, nhất là khi phần lớn không phải những câu chuyện vui… 

HS Trường Tiểu học Phước Hải 1 trong giờ ra chơi.	Ảnh: Mạnh Tuấn
HS Trường Tiểu học Phước Hải 1 trong giờ ra chơi. Ảnh: Mạnh Tuấn

Nuốt nước mắt vào lòng

Có mặt từ sớm tại Trường Tiểu học Phước Hải 1 (TP Nha Trang, Khánh Hòa), khi tiếng trống báo giờ ra chơi vang lên, tôi cũng được gặp cô Cao Thị Huệ Dung - giáo viên nhà trường. Ấn tượng lần đầu với tôi là đôi mắt đầy kiên cường và nghị lực như chứa hết những năm tháng khó khăn trước kia của chị ở trong đó.

Cô Dung chia sẻ, ra trường từ năm 1995 cũng là thời điểm cô bắt đầu với cái nghề “trồng người”. Đến năm 2000 cô lập gia đình. Cuộc sống của cô êm đềm, hạnh phúc sau 6 năm đến khi sinh cháu thứ hai. Đến năm 2007, chồng cô làm ăn không thuận lợi, kinh tế gia đình khó khăn. Những tưởng lúc đó vợ chồng nương nhau, giúp nhau vượt qua, nhưng người chồng bỏ lại cô và 2 con nhỏ vào Sài Gòn sống. Năm đầu chồng cô còn hay về thăm con, thời gian sau mỗi năm về một lần, tình cảm vợ chồng cũng nhạt phai dần theo năm tháng.

Tranh thủ giờ giải lao cô Dung sửa bài tập cho các em. Ảnh: Mạnh Tuấn
Tranh thủ giờ giải lao cô Dung sửa bài tập cho các em.
Ảnh: Mạnh Tuấn 

Cô giáo Cao Thị Huệ Dung nhớ lại, lúc đó cũng may gặp trường trông trẻ tư thục nên cô gửi con cả ngày để đảm bảo công việc trên trường. Nhiều lúc bản thân ốm đau nhưng bên cô là 2 con nhỏ và còn có 40 em HS lớp cô chủ nhiệm đang chờ cô lên lớp nên dù bệnh đau cô vẫn đảm bảo công tác giảng dạy. Các phong trào thi đua, hội thao… của trường cô đều tích cực tham gia đầy đủ.

Nhớ lại những lúc chở con đi học, bé nhỏ cô đeo đằng trước, bé lớn ngồi sau ôm mẹ, 3 mẹ con cứ thế bên nhau, con đi học mẹ đi dạy mỗi ngày. Còn có hôm gọi con đi học bé lại không chịu, dỗ mãi bé mới đến trường. Hôm đó cô đến lớp muộn một lúc, khiến cô áy náy mãi. Với đồng lương ít ỏi của nghề giáo cộng với phụ cấp ít ỏi của người chồng ngày trước có lúc khó khăn về tiền bạc cô đành nhịn ăn mà nhường cho con.

Có buổi tối bé trai lớn hỏi mẹ: “Sao mẹ không gọi bố về!” lúc đó cô nghẹn lòng một lúc sau mới tìm cách giải thích để qua chuyện. Vì thương con, nên lúc chồng cô vào Sài Gòn được vài năm thì về đòi ly hôn nhưng cô không đồng ý, cô vẫn cố gắng gồng gánh vừa việc trường, việc nhà trên vai, mong chồng cũng sẽ vì con mà quay lại.

Mãi đến năm 2013, khi chồng cô vẫn nhất quyết li hôn, biết không thể níu kéo được nữa cô đành chấp nhận, sau li hôn cô vẫn một mình tiếp tục nuôi 2 con đến giờ.

Để yêu thương lan tỏa

Cô Dung chia sẻ, có những em học sinh cô dạy từ năm lớp 1, đến khi cưới vợ vẫn đến nhà mời đám cưới, thấy HS trưởng thành cô rất vui. Cô Dung ngồi nhẩm tính đến nay đã ăn gần chục đám cưới của các em HS mà cô làm chủ nhiệm. Còn có em cô chủ nhiệm lớp 1, bây giờ đang làm văn thư ở trường, đồng nghiệp với cô khi gặp nhắc lại cô mới biết là học trò mình.

Mấy năm trước trong lớp cô chủ nhiệm, có một em đang học lớp 5 cũng gặp hoàn cảnh ba mẹ li hôn, em phải ở với ngoại, buổi sáng tự đến trường vài cây số để đi học. Học kỳ 1 em học vẫn tốt, nhưng đến học kỳ 2 thấy em hay nghỉ và sức học sa sút, cô tìm hiểu mới rõ vấn đề. Do ba mẹ li hôn không ai giám sát nên nhiều hôm em bỏ học vào quán game ngồi chơi từ sáng đến chiều, đến khi tan lớp em mới đi về nhà.

Quyết không thể để học trò mình hư, cô Dung tìm mọi cách để liên hệ và gọi mẹ em này lên để tâm sự. Tiếp đó cô yêu cầu phụ huynh cam kết không được để em tự đi học, mà bố mẹ phải dành thời gian đưa con đến trường… Sau này, có những trường hợp cũng được cô giúp đỡ tương tự, thậm chí đến khi chuẩn bị làm tiệc sang bước nữa có phụ huynh còn đến nhà cảm ơn và mời cô đi chung vui.

Giúp đỡ nhiều người là vậy, nhưng con của cô giáo Cao Thị Huệ Dung, năm học lớp 8 cũng có dấu hiệu chán học vì chuyện ba mẹ nên cô chỉ biết nhờ người thân khuyên nhủ con theo hướng tích cực. Vì lúc đó, bản thân cô cũng rất buồn, tâm trạng không ổn định nên không biết phải khuyên con thế nào cho phải.

Cô Dung cho hay: “Nhớ lại những khó khăn trước kia, tôi cũng không nghĩ mình và 2 con lại có thể vượt qua được, giờ này cháu lớn đang học lớp 12, cháu thứ hai cũng học lớp 8 nên mẹ con cũng bớt vất vả hơn xưa”.

Tiếng kẻng trường lại vang lên báo hiệu tiết học mới bắt đầu, cố gắng chia sẻ thêm với chúng tôi một vài câu chuyện, cô Dung lại vội vàng lên bục giảng để tiếp tục truyền dạy kiến thức, tình thương của mình đến lứa học trò đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trong con người chị, có lẽ không một khó khăn, trở ngại nào có thể làm giảm tình yêu nghề. Tuy không nhiều bằng khen, phần thưởng… nhưng với chúng tôi chị là một trong số rất nhiều nhà giáo có tâm với nghề.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy, nhưng cô giáo Cao Thị Huệ Dung luôn  quyết đoán, chưa bao giờ cô có suy nghĩ sẽ bỏ nghề dạy học để tìm ngã rẽ khác cho bản thân và hai con có cuộc sống thoải mái hơn. Đối với cô, “trồng người” là một nghề thiêng liêng, dù không có được cuộc sống sung túc bằng nghề này nhưng cô vẫn luôn muốn gắn bó mãi mãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ