Điều gì tốt cho trò, cho trường, phải quyết tâm làm

GD&TĐ - Đăng ký chơi gameshow truyền hình với mục tiêu “kiếm tiền thưởng về cho học trò xương thủy tinh”; Gõ cửa khắp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để huy động mọi sự trợ giúp xây dựng trường lớp, bàn ghế, sách vở cho HS…. 

Đây là năm đầu tiên Trường TH Hợp Thành tổ chức ăn bán trú cho học sinh.	(Ảnh nhà trường cung cấp)
Đây là năm đầu tiên Trường TH Hợp Thành tổ chức ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Mỗi nơi đi qua, cô đều là một người khởi xướng, lăn xả với công việc. Cô là Trần Thị Đa (SN 1973), Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An).

Tham gia gameshow truyền hình để ủng hộ học trò

Năm 2016, cô Trần Thị Đa đang là Hiệu trưởng của Trường TH Phú Thành (huyện Yên Thành). Cô đặc biệt chú ý đến trường hợp hai anh em Trịnh Xuân Nghĩa và Trịnh Thị Ngân, đều mắc bệnh xương thủy tinh, dù không thể đi lại bình thường, nhưng các em vẫn khao khát đến trường và học rất tốt. Không chỉ vậy, cậu em trai út của hai anh em Nghĩa và Ngân cũng mắc bệnh tương tự. Bố mẹ làm nông, bao nhiêu tiền của dành hết cho việc chữa chạy cho các con.

Trăn trở với hoàn cảnh của học trò, cô viết bài gửi đến các trang tin nhân ái để kêu gọi sự giúp đỡ, đồng thời tự mình tìm kiếm những nguồn hỗ trợ khả dĩ. Một số người biết chuyện đã giới thiệu cô tham gia chương trình “Vì bạn xứng đáng” của Đài Truyền hình Việt Nam. Tại chương trình này, phần thưởng không dành cho người chiến thắng, mà lại là cho nhân vật thụ hưởng, do người chơi lựa chọn. “Đây là chương trình khá lớn, tôi e ngại kiến thức mình không đủ. Nhưng ai cũng động viên nên tôi quyết định đăng ký tham gia, với mục tiêu đem về được cho học trò bao nhiêu thì quý bấy nhiêu”, cô kể lại.

Cô Trần Thị Đa. Ảnh: Hồ Lài

Đúng thời điểm cô lên đường dự thi thì lại có biến cố lớn: Bố chồng cô trở bệnh ốm nặng, hôn mê sâu. Cô rất lo lắng, định ở nhà thì mẹ chồng động viên: “Con cứ đi thi, bố biết con đi làm việc thiện, làm vì HS thì bố không trách đâu”. Đem theo lời dặn của mẹ chồng, cô một mình bay vào TPHCM theo lịch hẹn của ban tổ chức. Kết quả, cô giáo ở quê lúa Yên Thành đã giành chiến thắng với tiền thưởng lên tới 61,7 triệu đồng, mang về cho hai em HS của mình.

Với số tiền ấy, gia đình hai em Nghĩa và Ngân đã vay mượn thêm, xây được ngôi nhà chắc chắn, có phòng riêng cho các con. Từ hiệu ứng của chương trình, nhiều nhà hảo tâm cũng kết nối với cô hiệu trưởng để tặng xe lăn điện cho 2 anh em đi học; xây dựng tủ sách và thư viện nhân ái do 2 anh em quản lý để phục vụ miễn phí cho các bạn nhỏ trong xã Phú Thành.

Nói về việc làm của mình, cô Đa tâm sự: “Ngày nhỏ gia đình tôi cũng rất khó khăn, có những lúc tưởng phải bỏ học. Tốt nghiệp Trường Sư phạm miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) ra đi làm, thấy nhiều em cũng vất vả quá, nếu thấy giúp được gì thì mình cũng cố gắng. Trước thì cũng chỉ lập được các quỹ hỗ trợ HS nghèo thôi; bây giờ đỡ hơn là có điện thoại và mạng xã hội, kết nối được nhiều hơn những tấm lòng nhân ái trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài”.

Vai trò người khởi xướng

Đầu năm học 2016 - 2017, cô Trần Thị Đa được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường TH Hợp Thành; đồng thời cũng đối diện với những thách thức mới: Cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn; giáo viên thiếu 4 người để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày; công tác bán trú cũng chưa từng được thực hiện; phụ huynh chưa có sự quan tâm đầy đủ đến việc học của con… Khó khăn là vậy, nhưng với suy nghĩ “cái gì có lợi cho HS, cho nhà trường thì phải quyết tâm làm”, ngay khi về trường, cô cùng tập thể cán bộ giáo viên, lãnh đạo xã họp và trao đổi trực tiếp với người dân, thống nhất được việc dạy học 2 buổi/ngày theo số lượng giáo viên nhà trường đang có; đồng thời tổ chức bán trú cho 60 HS nhà xa…

Cùng với việc tổ chức bán trú, cô họp phụ huynh để vận động triển khai Chương trình Sữa học đường. Theo cô, một ngôi trường với 622 HS, ở vùng nông thôn, mà lại không triển khai được Chương trình Sữa học đường là điều rất thiệt thòi cho các em. Cô bỏ tiền lương của mình ra, mua 19 thùng sữa cho phụ huynh 19 lớp uống thử để biết chất lượng; đồng thời thông báo về các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với HS con em hộ nghèo, cận nghèo. Với cách làm đó, cô đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các phụ huynh.

 Đi xin nhiều quá, có lúc tôi cũng thấy… ngại với các đơn vị. Nhưng tôi nhận ra một điều, khi mình làm mọi việc vì HS, vì con em của họ, thì có một điều quay trở lại chính là tình cảm, sự ghi nhận của mọi người đối với mình. Ngày lễ tết, họ lại nhớ đến mình, chủ động gọi điện chúc mừng, thăm hỏi, với tôi đó là niềm vui to lớn khi cống hiến trong nghề.  
Cô Trần Thị Đa 

Ổn định được về mặt tư tưởng, cô hiệu trưởng lại đi gõ cửa khắp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xin vốn về tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng tủ sách. “Sân trường kém quá, trời mưa nước đọng rất trơn, nhiều HS và thầy cô bị ngã xe, tôi cũng hai lần bị như vậy. Trời nắng thì bụi mù, các em không có chỗ vui chơi. Vì thế, tôi nghĩ phải sửa ngay sân trường để đảm bảo an toàn cho các em.

Ngoài việc vận động phụ huynh góp ngày công, nhà trường đi xin thêm xi măng, gạch đá, và kêu gọi các nguồn tài trợ, chúng tôi đã san lấp được một ao nhỏ trong trường, nâng cấp sân cho cô trò sinh hoạt ngoại khóa…”, cô Đa kể lại. Bên cạnh sân trường được tu sửa, nhà trường cũng có một công trình bếp ăn vừa được hoàn tất trong năm học 2018 - 2019 để phục vụ HS bán trú, với nguồn kinh phí do Sở Tài chính Nghệ An hỗ trợ. Được biết, cô Đa đang vận động giúp đỡ cho hai gia đình HS có hoàn cảnh khó khăn là em Quỳnh Anh (lớp 3B) và em Nguyễn Thị Thương (lớp 4A), với mục tiêu hỗ trợ mỗi gia đình một con bò, một sổ tiết kiệm, cùng quần áo, sách vở…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.