Trưởng thành từ vùng đất khó

GD&TĐ - Thầy giáo Tạ Văn Kha gắn bó với giáo dục huyện Quản Bạ - Hà Giang như “duyên” trời định đã gần 30 năm nay. Biết bao công sức, trí tuệ, tâm huyết đã được thầy Kha cống hiến để “ươm mầm” nên những thế hệ trí thức dân tộc vùng cao biên giới. 

Trường PTDTBT TH Lùng Tám xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) - nơi thầy Kha đang công tác và dành nhiều tâm huyết cho công tác quản lý.
Trường PTDTBT TH Lùng Tám xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) - nơi thầy Kha đang công tác và dành nhiều tâm huyết cho công tác quản lý.

Vừa học, vừa dạy

Gia đình thầy giáo Tạ Văn Kha thuộc diện thuần nông và không có ai theo nghề giáo. Nhân chuyến đi chơi thăm chị gái ở Vị Xuyên - Hà Giang, mấy người bạn thân rủ nhau đi vùng cao học ngành Sư phạm. Lúc đó thầy Kha chưa hề biết gì về mảnh đất Quản Bạ.

Năm 1993, thầy Kha nộp hồ sơ xin học sơ cấp sư phạm 9+1 tại Trung tâm GDTX huyện Quản Bạ và thi đỗ. Tháng 10/1995, ra trường thầy giáo trẻ được phân công vào xã Bát Đại Sơn – một xã khó khăn nhất huyện Quản Bạ.

Năm 1999 thầy Kha tiếp tục đi học bồi dưỡng lên hệ Trung cấp sư phạm 9+3 trong vòng 2 năm. Học xong được phân công trở lại Bát Đại Sơn công tác. Đến năm 2002, một lần nữa thầy Kha tiếp tục theo học tại chức ĐH Sư phạm và tốt nghiệp năm 2006.

Thời điểm thầy Kha mới ra trường, ở vùng cao thiếu GV trầm trọng. Nhiều thôn bản trắng trường lớp, dân cư ở thưa thớt, đi lại khó khăn. Xã Bát Đại Sơn cách trung tâm huyện khoảng 25 km và 100% GV phải đi bộ.

Thanh xuân nơi vùng đất khó

Với thầy Kha, những kỉ niệm về một thời dạy học trong gian khó chẳng thể phai mờ: Điều kiện sống của GV vô cùng thiếu thốn, bà con dân tộc đa số nghèo và không nói được tiếng phổ thông. Vào thôn bản dù có tiền cũng chẳng mua được gì, nước sinh hoạt khô cạn và không có chỗ lấy. Mỗi lần đi chợ chỉ có thể mua được ít cá mắm, lạc, mỡ đặc đóng can vì đi bộ không thể mang nhiều. Hàng ngày, để có rau xanh cải thiện cho bữa cơm, GV tận dụng đất quanh trường để trồng, hoặc kiếm rau rừng. Nhiều khi cả tháng không biết đến một bữa cơm có thịt, ba tháng mới nhận lương dù thời điểm đó chỉ hơn 50 nghìn đồng.

Những năm đầu mới vào nghề, mỗi thôn bản có một điểm trường, các lớp học gắn với chỗ ngủ của GV. Để ở được, GV phải chặt cây nẹp tường, còn nilong, giấy báo được tận dụng để dán xung quanh. Chỉ cần mấy tấm ván quây là có thể trở thành phòng ở của các thầy cô giáo.

Các lớp học 100% nhà trình tường hoặc bưng ván lợp cỏ (cây chít) không lớp nào có cửa, bàn ghế được tạo ra từ những tấm ván xẻ thô mộc rồi đóng thêm chân vào để HS ngồi học. Bảng viết sần sùi, mấy tấm ván ghép là có thể trở thành bảng viết. Hàng ngày GV phải tận dụng cả pin đã qua sử dụng, đập ra lấy than chì đen để thoa lên bảng cho có màu đen.

Sau năm 1998, mái lớp học bắt đầu được lợp bằng tấm proximăng để kết hợp tận dụng hứng nước mưa sử dụng. Đời sống của bà con nhân dân khó khăn nên không thể hỗ trợ, giúp đỡ được giáo viên cắm bản.

HS đi học cũng là cả một vấn đề của giáo dục. Nhà trường và thầy cô rất khó khăn trong việc duy trì sĩ số, tỉ lệ chuyên cần hàng ngày. Mỗi lớp chỉ có 2,3 HS chăm học, còn lại thay nhau nghỉ. Việc vận động vô cùng vất vả bởi tiếng dân tộc không biết, cộng thêm nhiều hủ tục còn tồn tại trong đời sống.

Thầy Tạ Văn Kha luôn quan tâm và sát sao với công tác quản lý nhà trường
 Thầy Tạ Văn Kha luôn quan tâm và sát sao với công tác quản lý nhà trường

Tích cực đổi mới để đáp ứng yêu cầu

Trả lời câu hỏi: “Làm quản lý ở trường học vùng khó thì đâu là thách thức”? Không nhiều đắn đo, thầy Kha bộc bạch: Làm quản lý giáo dục vùng khó có nhiều nỗi khổ: PHHS gần như không quan tâm tới việc học tập của con em; HS dân tộc vốn nhút nhát, tự ti vì tiếng phổ thông chưa sõi; HS hay nghỉ học tự do…

Mặt khác, chất lượng chuyên môn của đội ngũ GV không đồng đều dù có ý thức trách nhiệm, sự cần cù. GV ít có sáng kiến, đề xuất. Trong công tác, chủ yếu cần sự chỉ đạo, hướng dẫn của BGH thông qua văn bản hướng dẫn của cấp trên và rút kinh nghiệm qua thực tế làm việc. Vì vậy, chất lượng giáo dục cũng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Cơ sở vật chất trường lớp cũng vô cùng thiếu thốn. Đồ dùng dạy học không đồng bộ. Thiết bị dạy học mang tính phát triển tư duy hiện đại cho HS không có… Có trường học được tài trợ hệ thống máy tính nhưng cũng không có GV để dạy.

Với đặc thù như vậy, thầy Kha cho rằng nhiệm vụ quản lý giáo dục đòi hỏi đội ngũ CBQL phải mạnh về chuyên môn và không thể sớm đòi hỏi quá cao đối với GV và HS.

Bắt đầu từ năm 2012 - 2013 trong vai trò quản lý, thầy Kha đã thắt chặt chất lượng đầu ra cuối năm. Trong 3 năm học liền kề đó, 100% HS trực tiếp được Hiệu trưởng và hiệu phó khảo sát thực tế về đọc viết và tính toán. Nếu không đủ điều kiện theo chuẩn kiến thức, kỹ năng sẽ không được lên lớp và phải học lại trong hè. Với cách làm này thầy Kha và đội ngũ GV nhà trường đã loại bỏ được tình trạng HS không biết đọc viết được lên lớp.

Mặt khác, thầy Kha cũng cho rằng, việc phân công GV phải phù hợp với năng lực từng người, không làm khó GV vì thực tế có GV đã dạy hơn 20 năm sẽ vất vả trong việc học lại kiến thức để áp dụng giảng dạy lớp 4,5.

Cũng theo thầy Kha, để quản lý tốt giáo dục vùng khó, việc quan trọng và không thể thiếu là tạo đoàn kết trong BGH để tìm tiếng nói chung trong chỉ đạo điều hành. Mặt khác chỉ đạo phải nhất quán, xác định rõ cơ sở thì mới chỉ đạo.

Quan tâm đến đời sống của CBGV, nhất là giáo viên có hoàn cảnh éo le, gia đình có việc lớn và các ngày lễ tết, tiền lương sớm và đầy đủ các chế độ cũng là vấn đề cần quan tâm. Khi GV có biểu hiện căng thẳng, áp lực cần phối hợp với Công đoàn tổ chức các hoạt động giảm bớt bệnh nghề nghiệp. Tạo điều kiện cho GV hoàn thiện chuyên môn, tự học và nâng cao năng lực.

Tuy vậy, vào thời điểm thích hợp cần tạo ra những áp lực cần thiết để lên dây cót tinh thần trách nhiệm đối với đội ngũ GV. Không thiên vị cá nhân nào trong tập thể. CBQL càng phải trở thành gương sáng, phải là người đi đầu đổi mới sáng tạo trong dạy học. Có như vậy mới đảm nhiệm tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ