Vùng khó Nậm Chà: Bao giờ hết khó?

GD&TĐ - Chuyến công tác dài ngày tại xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) gần đây cho tôi nhiều trải nghiệm mới. Những người thầy, người cô, ngày ngày đối mặt với biết bao gian lao, song vẫn quyết tâm bám bản, bám trường. Tất cả vì ước mơ “trồng người” mà họ  hằng ấp ủ...  

Buổi sáng đến lớp.
Buổi sáng đến lớp.

Vùng đất khó

Di chuyển hơn 600km từ Hà Nội, chúng tôi mới đến được huyện Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu. Đây là huyện được chia tách và thành lập cách đây vài năm. Con đường đất gồ ghề toàn ổ voi, ổ gà ngay đầu trung tâm huyện lỵ Nậm Nhùn như “mách bảo” về những gian nan mà đoàn sẽ công tác phải trải qua.

Điểm trường Mầm non Nậm Chà nơi chúng tôi đến cách xa trung tâm huyện hơn 60km, đường khó đi nên đoàn công tác phải ở lại huyện lỵ qua đêm. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vũ Tiến Hóa niềm nở chia sẻ: “Nậm Nhùn là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Xã Nậm Chà lại là xã khó khăn nhất của cả huyện. Vậy nên, các anh (PV) sẽ có nhiều trải nghiệm tại vùng đất đầy gian nan này”.

Học sinh mầm non ở điểm trường trung tâm được chiều chuộng mỗi sáng đến lớp.
 Học sinh mầm non ở điểm trường trung tâm được chiều chuộng mỗi sáng đến lớp.

Sớm tinh mơ ngày hôm sau, cả đoàn “khăn gói” lên đường. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện hớt hải chạy ra mấy quán cóc ven đường tìm mua củ đậu dự trữ để cả đoàn ăn dần trong thời gian ở bản vì biết trước trong xã không có hàng quán. Hơn 60km đường thôi mà chúng tôi mất gần 4 tiếng đồng hồ leo ngược lên những con dốc dựng đứng để đến được trung tâm xã Nậm Chà.

Khu vực trung tâm xã Nậm Chà dường như chỉ có cụm trường học là nhà kiên cố. Nó như một cung điện nguy nga ngự giữa đỉnh núi với ba cấp học: Mầm non, tiểu học và THCS. Thầy Vũ Tiến Hóa hồ hởi nói: “Có được cơ sở vật chất như thế này không dễ đâu các anh ạ. Nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên chúng tôi phải huy động mọi nguồn lực để kêu gọi hỗ trợ xây trường. Riêng xã Nậm Chà kêu gọi được khoảng 60 tỷ đồng để xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Trường lớp khang trang, các thầy cô và các cháu cũng đỡ vất vả”.

Buổi trưa, Nậm Chà nắng như thiêu, như đốt mặc dù xung quanh bốn bề bao phủ bởi những cánh rừng tái sinh xanh mướt. Ngồi trong nhà, quạt máy chạy ở chế độ cao nhất, mồ hôi vẫn vã ra như tắm. Kết thúc buổi học sáng, từng đám, từng đám trẻ con cả tiểu học và THCS lại ríu rít kéo nhau đi “tắm biển”. Ở giữa rừng lấy đâu ra biển. Chúng biết đến biển qua tivi nên cứ trêu đùa nhau như thế, thực ra là đi tắm suối. Đếm vội cũng ngót nghét gần trăm đứa lúc nhúc vui đùa bên dòng suối mát. Tắm xong, loanh quanh trên bờ đùa nghịch một hồi, đợi quần áo khô rồi trở lại trường, tiếp tục học ca chiều.

Lớp học ghép 3 độ tuổi ở điểm bản Huổi Lính B, Trường Mầm Non Nậm Chà.
 Lớp học ghép 3 độ tuổi ở điểm bản Huổi Lính B, Trường Mầm Non Nậm Chà.

Gian nan vì hủ tục

5 giờ sáng, gà rừng đã te te gáy trên đỉnh núi phía sau cụm trường học. Mấy thầy cô giáo dậy chạy bộ loanh quanh sân trường rèn luyện sức khỏe. Trẻ nhỏ ở đây cũng dậy sớm để đến trường. Buổi sáng, vài quán tạp hóa con con dưới cổng trường bận túi bụi vì trẻ con đến mua hàng. Đứa trẻ mầm non nào cũng có một thứ gì đó trên tay. Đứa thì gói bim bim, có đứa lại ăn bánh nướng, cũng có đứa mua kẹo mút, kẹo que...

Tiếng trống trường đã điểm, song ở dưới chân dốc vẫn có hai mẹ con giằng co nhau. Chị Chảo Pham Niềm người dân tộc Dao bụng chửa “vượt mặt” đang vỗ về đứa con nhỏ vừa khóc, vừa lăn lộn bên ven đường. Hóa ra, bé đòi mẹ mua cho gói bim bim mới chịu vào lớp. Chị kiên quyết không mua vì ở nhà đã cho ăn cơm nguội rồi. “Nhà người ta có tiền, họ mua cho con buổi sáng. Nhà em không có nên không mua gì cả, các anh chị nó cũng thế rồi quen không dám đòi. Mà mấy hôm nay trời mưa không lên rừng kiếm măng được nên cũng chẳng có tiền”, chị Chảo Pham Niềm nói.

Trường Mầm Non xã Nậm Chà có 365 học sinh là con em đồng bào các dân tộc: Mông, Dao và Cống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số. Trường có 1 điểm trường chính và 6 điểm lẻ tại các bản xa. Do thiếu giáo viên nên chỉ bố trí được mỗi điểm bản một lớp học. Hầu hết là lớp ghép 2 hoặc 3 độ tuổi (3 - 5 tuổi học chung một lớp).

Căn nhà tạm là nơi ở của giáo viên cắm bản.
Căn nhà tạm là nơi ở của giáo viên cắm bản. 

Anh Giàng Sáu Chớ, nhân viên phục vụ của Trường Mầm Non Nậm Chà được phân công nấu ăn ở điểm bản Huổi Lính B vì điểm này có tới 24 học sinh, một mình cô giáo không thể vừa dạy học, vừa nấu ăn cho các cháu được.

Được sự phân công của hiệu trưởng nhà trường, anh Sáu Chớ băng qua gần chục cây số từ sớm tinh mơ về điểm trường trung tâm dẫn đoàn đến điểm bản. Mới 34 tuổi mà Sáu Chớ nhìn già dặn như gần 50. Dáng người nhỏ bé, gầy guộc. Trên chiếc xe máy đã cũ, Sáu Chớ thoăn thoắt tránh từng phiến đá tảng trên đường.

Mọi người ở bản Huổi Lính B ai cũng bảo cả bản duy nhất nhà Sáu Chớ có rượu trắng luôn “thủ” sẵn trong nhà. Sáu Chớ bảo mình không nghiện rượu, mà chỉ để đó thi thoảng có khách thì mang ra uống.

Bản Huổi Lính trước kia có khoảng 60 nóc nhà. Giờ tách ra làm hai (Huổi Lính A, B). Hầu hết các hộ đồng bào Mông ở Huổi Lính B đều theo đạo Tin lành. Cả Sáu Chớ cũng thế. Nhưng từ bé đến giờ anh chẳng biết hát bài thánh ca nào vì không có ai dạy hát. Hằng ngày, Sáu Chớ đến trường phụ giúp cô giáo cắm bản đi chợ, nấu cơm để nuôi dưỡng 24 cháu nhỏ là con em đồng bào Mông ở bản mình.

Do dân tộc thiểu số ở đây có thói quen sinh dày, sinh nhiều nên nhà nào cũng đông con. Nhà ít thì 5 đứa, còn nhà nhiều có tới 7 hoặc 8 đứa. Như Sáu Chớ, nhà có 5 mặt con, nhiều lúc thấy mệt mỏi khi suốt ngày phải lo tiền cho các con đi học, rồi mua sắm quần áo mới. Ngày trước khi làm cộng tác viên dân số, được trả 750 nghìn đồng mỗi tháng, giờ khoản thu trên đã bị cắt rồi, cả nhà ngần ấy miệng ăn chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi nhà trường thuê mỗi tháng.

“Ngày trước mình làm cộng tác viên dân số còn có chút tiền. Giờ họ cắt mất rồi nhưng mình vẫn làm vì trách nhiệm với bà con dân bản. Nhiều lúc nghĩ cũng chán vì đi vận động người ta sinh đẻ ít thôi, họ chửi, mắng, bảo là: Nhà mày đẻ 5 đứa, bây giờ chúng tao đẻ hơn nhà mày có 2 - 3 đứa thôi mà bảo tao đừng đẻ là thế nào? Mày sợ đẻ nhiều thì nghèo đói, nhưng tao đẻ ra, mày có cho con tao cái gì để nuôi nó không mà mày nói?”, Sáu Chớ kể lại.

Sáu Chớ thở dài rồi bảo tôi chán chẳng muốn lên đó vận động họ sinh đẻ có kế hoạch nữa vì nói họ không nghe. Đến cả người địa phương mà cũng không thể vận động được nhau, nói gì đến cán bộ người Kinh đi tuyên truyền, vận động. Thế là các hộ gia đình cứ thi nhau đẻ cho “hết trứng” nên có người sinh năm 1988, đã có 8 người con.

Lớp học ở điểm bản Huổi Lính B có 24 học sinh. Đây là lớp ghép 3 độ tuổi (3 - 5 tuổi). 14 giờ chiều, cả lớp thức dậy để ăn nhẹ và bước vào học ca chiều. Giàng A Thành (3 tuổi) quần tụt đến tận đầu gối, mắt nhắm, mắt mở xộc xộc chạy theo chị gái là Giàng Thị Xia (5 tuổi) khóc. Xia dỗ mà cậu em khóc mãi không thôi. Hóa ra A Thành đang ngủ ngon, bị chị gọi dậy rồi giật gối đầu mang đi cất nên dỗi, chạy theo bắt đền.

Xế chiều, trẻ con lổm ngổm ngược dốc về bản. Nhà có điều kiện thì đón con bằng xe máy. Có nhà khó khăn thì đi bộ, cõng con trên lưng. Cũng có nhà vội từ trên nương về thả con vào cái “lu cở” (cái gùi) sau lưng lững thững ra về. Tiếng bọn trẻ ríu rít hòa cùng tiếng lóc cóc phát ra từ mõ khi đàn trâu nối đuôi nhau về nhà lẫn vào màn sương ngày một dày đặc.

Tắt nắng, từng lớp sương mỏng từ đâu bay về. Rồi chúng ập đến lúc nào không hay, thành lớp sương mù đặc quánh như muốn “nuốt chửng” bản làng. Màn đêm buông xuống, tiết trời bỗng se se như cái lạnh đầu mùa. Chẳng mấy chốc, ai nấy đều co ro như đêm đông tê tái. Ở vùng đất này, một ngày thời tiết có đến 4 mùa thay đổi theo từng nấc thời gian. Có lẽ cũng bởi thời tiết khắc nghiệt như thế nên bà con cứ nghèo mãi vì chẳng biết làm gì để thoát nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ