Trường tạm, lớp tạm chờ thi công

GD&TĐ - Tình trạng gần đến ngày khai giảng, thậm chí là một, hai tháng sau khai giảng, nhiều công trình sửa chữa hoặc xây dựng mới ở các trường học vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng hầu như năm nào cũng tái diễn.

Trường tạm, lớp tạm chờ thi công

Thuê mướn phòng học

Ngày khai giảng năm học 2016 – 2017 của Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) diễn ra trong Hội trường của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng với chỉ 300 em/608 học sinh của toàn trường được tham dự.

Cô Trần Thị Tường Vy – Hiệu trưởng - cho biết: “Với sức chứa của Hội trường, chỉ có HS khối sáng là được dự khai giảng, còn khối chiều, mỗi lớp có 5 HS đại diện”.

Năm học này, Trường Tiểu học Lê Lai được đầu tư xây mới toàn bộ với quy mô 4 tầng. Để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vào cuối tháng 6, ngay khi kết thúc năm học 2015 – 2016, nhà trường đã phải di chuyển tất cả bàn ghế, thiết bị đồ dùng dạy học, hồ sơ sổ sách đi gửi.

Theo cam kết của nhà thầu, công trình sẽ hoàn thành trong 180 ngày thì đến cuối tháng 12, cô trò trường Tiểu học Lê Lai mới có thể chấm dứt được việc dạy - học trong điều kiện thuê mướn.

Để đủ phòng học cho 16 lớp, tTrường Tiểu học Lê Lai phải thuê lại cơ sở vật chất của trung tâm giáo dục Viên Thảo. Phòng làm việc của BGH trường Tiểu học Lê Lai vừa đủ để kê hai bàn làm việc, sổ sách cũng để hết lên bàn.

“Riêng hai lớp Một được nhà trường ưu tiên bố trí hai phòng học rộng rãi nhất. CSVC chỉ đảm bảo cho hoạt động dạy – học; các hoạt động ngoài giờ lên lớp thì không thể triển khai được.

Thậm chí, giờ học thể dục cũng học ngay trong phòng học do các tầng lầu chỉ có một khoảng không gian của chiếu nghỉ và chiếu tới rất hẹp.

Chúng tôi chủ trương trong học kỳ I, nội dung học thể dục của các khối lớp chỉ tập các động tác tay không và vận động cơ bản” – cô Tường Vy cho biết”.

Mặc dù theo như nhận xét của cô Tường Vy thì tại địa điểm thuê mướn, các phòng học đều đủ ánh sáng, bàn ghế đã có sẵn và có hỗ trợ điều hóa nhưng theo quan sát của chúng tôi thì các phòng học đều nhỏ hẹp nên bàn ghế được bố trí khá sát nhau, khoảng cách giữa dãy bàn thứ nhất và bảng lớp là khá sát.

Năm học này, Trường THCS Lê Hồng Phong cũng được đầu tư xây mới 9 phòng học với quy mô xây dựng 4 tầng lầu, sảnh tầng trệt để trống.

Thầy Trình Quang Long - Hiệu trưởng - cho biết: Theo cam kết của nhà thầu, công trình sẽ hoàn thành trong 145 ngày, tương đương với 5 tháng, dự kiến cuối tháng 11 sẽ bàn giao cho nhà trường.

Để đủ chỗ học cho học sinh do phải đập bỏ dãy nhà 7 phòng học trước đây, Trường THCS Lê Hồng Phong phải thuê lại 4 phòng ở Trung tâm Ngoại ngữ Phan Chu Trinh – cách địa điểm của trường khoảng 2 km. Có 4 lớp khối 7 và 4 lớp khối 8 phải chuyển sang học ở địa điểm mới.

Thầy Long cho biết: “Trung tâm ngoại ngữ chủ yếu hoạt động vào buổi tối nên ban ngày gần như dành hết cho các hoạt động dạy – học của nhà trường.

Nhà trường đã cử một nhân viên phụ trách vệ sinh, bảo vệ và quản sinh, chịu trách nhiệm luôn việc bấm chuông, báo tiết. Trung tâm chỉ có một cửa ra vào nên việc quản lý HS cũng không phức tạp”.

Trước khi kết thúc năm học 2015 – 2016, nhà trường đã họp phụ huynh, thông báo chủ trương của nhà trường, nhờ phụ huynh hỗ trợ, phối hợp trong việc đưa đón HS trong thời gian phải di chuyển địa điểm học.

Chật vật trong lên thời khóa biểu

Thầy Trình Quang Long cho biết: “Dù địa điểm thuê mướn phòng học nằm ở trung tâm nhưng do nằm sâu trong kiệt nên không gian cũng yên tĩnh, đáp ứng môi trường dạy – học.

Cái khó còn lại là thầy cô giáo phải vất vả trong di chuyển giữa hai điểm trường. Trong phân công giảng dạy, Giáo viên không dạy nguyên một khối lớp mà vừa dạy khối 7 vừa dạy cả khối 9 nên để GV không bị muộn tiết, trong sắp xếp thời khóa biểu, chúng tôi phải bố trí “rơ” một tiết để GV di chuyển chứ không phải để nghỉ”.

Với những môn học mà số tiết/tuần ít, GV phải dạy nhiều lớp thì sẽ phải di chuyển nhiều hơn. Các tiết thực hành của 8 lớp học tại địa điểm thuê mướn cũng phải bố trí trái buổi để HS về học thực hành tại trường.

“Để HS bớt di chuyển, chúng tôi bố trí tiết thực hành ngay sau 2 tiết học thể dục trái buổi của các em. Đội ngũ chúng tôi chấp nhận khó khăn trong một giai đoạn ngắn để có một cơ sở khang trang.

Trước đây, các hoạt động ngoài giờ, bao giờ nhà trường cũng phải chuẩn bị hai phương án vì nếu trời mưa thì phải về lớp để phổ biến cho HS. Với công trình xây mới này, sảnh tầng 1 đủ sức chứa cho toàn bộ HS nhà trường”.

Dù phải dùng hội trường để làm phòng học, nhưng Trường THCS Lê Hồng Phong không phải vất vả trong di chuyển thiết bị, đồ dùng dạy học như Trường Tiểu học Lê Lai.

Cô Tường Vy kể: “Hồ sơ, sổ sách và bàn ghế, tủ… của khu hiệu bộ, nhà trường liên hệ được với cảng vụ để gửi. Riêng bàn ghế học sinh, bảng, tủ đồ dùng lớp học thì gửi nhờ ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Do chỉ để ngoài trời nên chúng tôi phải xếp một lớp gạch ở bên dưới cho đỡ ẩm, phía trên thì phủ bạt. Nhưng trước khai giảng năm học, bên trường Võ Thị Sáu phản ảnh muỗi nhiều quá nên trường phải liên hệ với bên Y tế dự phòng về phun thuốc. Trong tuần này cũng phải qua di dời bàn ghế vào sảnh của trường Võ Thị Sáu để bớt ẩm vì phun thuốc cũng không ăn thua”.

Đà Nẵng hiện có 22 trường xây dựng phòng học 2 buổi/ngày sẽ hoàn thành trong quý 4 năm 2016 này. Ông Nguyễn Đình Vĩnh – GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng thừa nhận, việc công trình thi công trong thời gian học là có ảnh hưởng đến dạy và học như thiếu phòng học tạm thời, bụi bẩn, tiếng ồn và thu hẹp không gian sinh hoạt của học sinh là không thể tránh được, mặc dù các đơn vị thi công đã cố gắng che chắn, bảo vệ khu vực thi công…

Khó khăn của ngành GD là áp lực về quỹ thời gian cho công tác xây dựng cơ bản, nâng cấp trường lớp vì thời gian nghỉ hè rất ngắn. Ông Vĩnh cho biết: Sở GDĐT Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thi công công trình ngay từ khi năm học 2016-2017 kết thúc, phấn đấu hoàn thiện công trình vào tháng 9, tháng 10 nhằm hạn chế thời gian ảnh hưởng đến học sinh.

Trường tạm, lớp tạm chờ thi công ảnh 1Trường tạm, lớp tạm chờ thi công ảnh 2Trường tạm, lớp tạm chờ thi công ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ