Tình yêu lớn hơn nỗi sợ dịch bệnh

GD&TĐ - Gần 20 năm trong nghề, không đếm hết vất vả, khó khăn, dạy dỗ bao nhiêu đứa trẻ ở ngôi trường vùng biên giới, nhưng 14 ngày cách ly với học sinh là trải nghiệm không thể nào quên với cô giáo Hà Thị Dung.

Cô Hà Thị Dung - GV Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, Nghệ An.
Cô Hà Thị Dung - GV Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Những đêm không dám ngủ trọn giấc

Sau lễ khai giảng năm học mới 1 ngày, Covid-19 xuất hiện tại xã biên giới xa xôi Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An tại một gia đình ở xóm chợ, gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con.

Cô Hà Thị Dung nhớ lại: “Lúc đó, mọi người đều rất lo lắng. Tôi biết đến dịch bệnh Covid-19, nhưng nghĩ nó vẫn đang còn xa lắm, ở đâu đó trong miền Nam. Nhưng không ngờ, ở tận Tri Lễ, xã biên giới toàn núi rừng cũng có người mắc Covid-19, trong đó lại có cả học sinh của Trường Tiểu học Tri Lễ 1 chúng tôi”.

Hơn 100 trường hợp F1 tiếp xúc gần được đưa đi cách ly tập trung tại thị trấn và Trường PT DTBT THCS xã Tri Lễ. Còn lại, 52 học sinh tiểu học là bạn cùng lớp với 2 bệnh nhân nhỏ tuổi được cách ly tại trường Mầm non Tri Lễ.

Hơn 50 học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 1 trở thành F1 và phải cách ly tập trung 14 ngày kể từ 7/9. Ảnh tư liệu.
Hơn 50 học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 1 trở thành F1 và phải cách ly tập trung 14 ngày kể từ 7/9. Ảnh tư liệu.

Với người lớn, việc cách ly dù vất vả nhưng không gặp khó khăn khi triển khai. Riêng với các cháu nhỏ, học tiểu học, trong đó có 32 học sinh lớp 2A1 và 20 học sinh lớp 5A2 thì không dễ dàng. Mọi việc từ ăn ngủ, sinh hoạt các em đều chưa tự mình thực hiện được trong khu cách ly, chưa kể tình huống phát sinh khác.

Thời điểm này, có một số phụ huynh xung phong đi cùng các con. Nhưng phụ huynh chỉ có thể chăm sóc được con cái của mình, còn để quản lý số lượng trẻ lớn thì không làm được. Trước tình thế này, phương án tối ưu nhất là giáo viên vào để cùng hỗ trợ trò.

Thầy Nguyễn Minh Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, Nghệ An khi ấy đã nhắn vào trong nhóm Zalo của trường, kêu gọi giáo viên vào cách ly cùng học trò.

Nhiều thầy cô đã xung phong tình nguyện, trong đó cô Hà Thị Dung và Hà Thị Kim được đồng ý cho vào khu cách ly. Lý do không chọn thầy giáo, theo Hiệu trưởng nhà trường là do trong hơn 50 trẻ có cả nam lẫn nữ, nên để cô giáo chăm sóc sẽ thuận tiện hơn.

Các em học sinh thời điểm trong khu cách ly đón tết Trung thu. Ảnh tư liệu.
Các em học sinh thời điểm trong khu cách ly đón tết Trung thu. Ảnh tư liệu.

Ba đêm đầu trong khu cách ly cô Hà Thị Dung đều thức trắng. “Học sinh lạ môi trường, xa nhà, xa bố mẹ nên khóc thút thít cả đêm. Phụ huynh lo lắng, cô cũng hồi hộp, khóc với học sinh, chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 lần lấy mẫu thứ nhất tại nơi cách ly tập trung. Cho đến khi có kết quả tất cả đều âm tính, ai nấy nhẹ lòng đi một chút. Đó là những đêm thật dài...”, cô Hà Thị Dung kể.

Những ngày sau đó, mặc dù vẫn còn lo lắng, nhưng cô Dung giấu hết mọi thứ trong lòng. Cô động viên mọi người, động viên học sinh cố gắng, thực hiện đúng 5K để phòng dịch.

“Cứ mỗi ngày qua đi, tôi lại nhắn cho đồng nghiệp, cho chồng, con rằng chúng ta đã thêm 1 ngày an toàn. Không ngày nào ngủ trọn giấc... Không chỉ tôi mà cả ban giám hiệu, các thầy cô, phụ huynh cũng đếm từng ngày như vậy”, cô Dung kể.

Tình yêu thương trò lớn hơn nỗi sợ Covid

Cô Hà Thị Dung kể, khi quyết định vào khu cách ly, gia đình chưa đồng ý ngay. Bởi dịch bệnh không thể nói trước được, và khi vào ở chung với các F1, thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất lớn.

Anh Lô Văn Thu (chồng cô Dung) nói: “Thực sự ban đầu tôi không muốn vợ vào khu cách ly. Bởi có bao nhiều người của các cơ quan chức năng, ngành y tế... làm nhiệm vụ này. Hơn nữa trước tới nay việc nhà vợ tôi lo liệu hết, nếu để bố con ở nhà tự nấu nướng, dọn dẹp thì không biết phải làm sao.

Nhưng khi nghe vợ chia sẻ nỗi lo lắng về học sinh, những đứa trẻ phải xa gia đình cách ly, thì tôi suy nghĩ lại. Phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm chung của mỗi người, nên tôi đồng ý để cho vợ vào với cách cháu”.

Cô Hà Thị Dung thường xuyên nấu nước xông cho học trò để phòng dịch bệnh trong thời gian cách ly.
Cô Hà Thị Dung thường xuyên nấu nước xông cho học trò để phòng dịch bệnh trong thời gian cách ly.

Trường mầm non xã Tri Lễ đã được chính quyền khẩn trương dọn dẹp và bố trí thêm một số dụng cụ cần thiết như chăn, màn, chiếu dành riêng cho học sinh tiểu học cách ly. Ở đây, các em sẽ được bố trí từ 7 - 8/người/phòng do một phụ huynh hoặc một giáo viên đảm nhiệm.

Hành trang vào khu cách ly của cô Hà Thị Dung ngoài vật dụng sinh hoạt cá nhân, là nhiều sách vở, truyện. Hàng ngày, quản lý học sinh, lấy cơm cho các con, nhắc nhở các con ăn, uống, sinh hoạt theo đúng giờ quy định…

Thời gian còn lại, cô cho các em đọc truyện, xem sách… Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhưng những câu chuyện phát sinh trong khu cách ly thì không ai lường trước được. Có em khóc vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Có em bị đau bụng vì chế độ ăn uống... đầy đủ hơn ở nhà.

Hay như mỗi lần có lịch gọi học sinh đi lấy mẫu xét nghiệm, cô lại phải dỗ dành, tìm mọi cách “nịnh” học sinh vì các em sợ kim tiêm, sợ các cô chú nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ.

Mỗi ngày, cô Dung cũng làm thêm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho học sinh. Mỗi lần thấy em nào nhiệt độ cao hơn bình thường, sổ mũi, đau đầu... cô lại lo không biết có phải dấu hiệu của dịch bệnh không.

Cô Hà Thị Dung là giáo viên người Thái, đã có gần 20 năm gắn bó, dạy học tại xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An.
Cô Hà Thị Dung là giáo viên người Thái, đã có gần 20 năm gắn bó, dạy học tại xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An.

Để giúp học sinh tăng sức đề kháng, phòng chống dịch, cô Dung còn nhờ người dân gửi các loại lá thuốc vào khu cách ly và đun nước xông cho các em. Động lực cho cô trong những ngày ấy là tin nhắn, những cuộc gọi động viên của người thân, đồng nghiệp.

Vừa chăm sóc trò, vừa hồi hộp chờ đợi, cuối cùng cũng trôi qua ngày thứ 14. Kết quả xét nghiệm của cả cô và trò đều âm tính. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy mừng và hạnh phúc như vậy, nhắn tin báo kết quả xét nghiệm cho chồng và trong nhóm giáo viên nhà trường, mà tôi cũng bật khóc. Vậy là cô trò chúng tôi đã được về nhà rồi”, cô Dung nhớ lại.

Giờ đây, Trường Tiểu học Tri Lễ 1 đã dạy học bình thường trở lại. Tất cả học sinh F0, F1 cũng đều an toàn, mạnh khỏe, vui chơi học tập bình thường. Nhớ lại những ngày đã trải qua trong khu cách ly, cô Dung chia sẻ đó là trải nghiệm đặc biệt nhất trong suốt gần 20 năm dạy học ở xã biên giới này.

“Là giáo viên người bản địa, tôi không chỉ dạy học sinh ở trường, mà còn gần gũi, biết rõ hoàn cảnh từng em. Nếu không có người thân quen ở bên cạnh trong lúc đi cách ly, các em sẽ rất bơ vơ, vất vả. Tình thương đối với học trò trong tôi còn lớn hơn cả nỗi sợ hãi, lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nên dù thế nào đi nữa, tôi vẫn ở bên các em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.