Tâm sự của giáo viên chủ nhiệm

GD&TĐ - Tôi không phải giáo viên. Tôi chỉ từng là một học sinh. Câu chuyện dưới đây tôi được một cô giáo kể lại…

Tâm sự của giáo viên chủ nhiệm

“Là người giáo viên, chúng ta sẽ có rất nhiều kỉ niệm trong quá trình giảng dạy. Những kỉ niệm này sẽ khiến chúng ta nhớ mãi không quên. Chúng sẽ đi suốt cuộc đời chúng ta như những dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí.

Là một giáo viên đã có mười tám năm đứng trên bục giảng, tôi cũng có nhiều kỉ niệm vui buồn trong công tác giảng dạy. Nhưng có một kỉ niệm làm tôi nhớ mãi không quên và đọng lại trong tâm trí tôi với nhiều cảm xúc mãnh liệt là câu chuyện tại ngôi trường cũ vào năm ngoái.

Năm học 2016-2017, tôi được phân công làm chủ nhiệm và giảng dạy lớp 4/1. Lớp có 27 học sinh, các em rất ngoan hiền, lễ phép và rất sôi nổi trong học tập.

Chỉ sau hai tuần, tình cảm giữa cô trò đã trở nên gần gũi và thân thiết. Không còn có cảm giác xa lạ, bỡ ngỡ trong mắt các em đối với cô giáo chủ nhiệm như trong buổi học đầu tiên nữa. Và cứ như thế, sau những giờ dạy, những buổi sinh hoạt lớp, tình cảm cô trò ngày càng được bồi đắp, thắt chặt hơn.

Tôi cũng đã hiểu được và nắm rõ được hoàn cảnh, tính cách và học lực của từng em trong lớp. Các em cũng đã xem tôi như người mẹ thứ hai, người mang đến cho các em có cảm giác gần gũi, thân thiết để các em có thể kể hết những khó khăn trong học tập.

Hai tháng sau đó, tôi bất ngờ nhận được quyết định chuyển công tác về trường khác. Phải xa ngôi trường mà tôi đã gắn bó trong mười tám năm kể từ khi bước chân vào nghề giáo, xa lớp 4/1 mà tôi đang là chủ nhiệm, xa 27 học sinh xem tôi như là người mẹ thứ hai khiến tôi rất buồn và có cảm giác hụt hẫng trong trái tim mình.

Tôi nhớ như in, chiều thứ năm hôm đó, tôi đã nói với các em học sinh lớp 4/1 thân yêu điều mà tôi đã cố giấu kín trong những ngày trước đó. Đó là việc tuần sau tôi phải chuyển đến dạy ở một ngôi trường khác.

Khi tôi vừa dứt lời thì các em học sinh trong lớp đều tranh nhau giơ tay lên hỏi. Một em đứng lên hỏi tôi với đôi mắt tròn xoe: “Cô ơi, sao cô không dạy bọn em nữa vậy cô?”. Một em khác rơm rớm nước mắt đứng lên nói: “Cô ơi, cô đừng bỏ bọn em đi dạy trường khác nha cô!”. Sau đó là những tiếng khóc thút thít của các em khác làm tim tôi thắt lại.

Ngày thứ Sáu hôm sau, tôi tổ chức một buổi chia tay lớp sau giờ học. Tôi mua một ít bánh kẹo, tổ chức thành một buổi liên hoan để các em có thể vui vẻ trước khi tôi chia tay các em. Nhưng hôm đó, các em đều buồn rười rượi và luôn nói lên một ước mong là cô giáo chủ nhiệm đừng chuyển đi dạy ở trường khác nữa.

Nhưng đến cuối cùng, tôi cũng phải nói lời chia tay các em dù lòng tôi không muốn. Tôi đã nghẹn ngào khi nói với các em: “Đây là buổi học cuối cùng của cô trò chúng ta. Cô rất thương các em nhưng vì công tác cô phải chuyển đến ngôi trường khác. Cô Hạnh sẽ thay cô dạy và làm chủ nhiệm lớp chúng ta. Các em cố gắng học ngày càng giỏi và vâng lời các thầy cô giáo nghe!”.

Tôi đã không cầm được lòng mình nữa và tôi đã khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên má và trái tim tôi thì đau nhói. Nhưng các em học sinh thân yêu của tôi cũng đã gục đầu xuống bàn khóc nức nở.

Em Thường, một học sinh nam hiếu động, lúc nào cũng cười nói vui vẻ cũng đã bật khóc thành tiếng. Nhiều em vừa nói, vừa khóc trong nước mắt tràn đầy: “Đừng đi cô! Ở lại đây với chúng em cô ơi”, “Cô ơi, đừng đi cô”... Tôi liền an ủi các em: “Cô không dạy ở trường nữa nhưng nhà cô ở ngay sau trường, khi nào các em rảnh cứ ghé nhà cô chơi”. Nhưng các em vẫn khóc, và khóc to hơn nữa.

Trước tấm chân tình của các em, tôi bỗng bật ra lời hứa: “Cô tạm xa các em năm ni thôi. Sang năm các em lên lớp 5 cô sẽ trở về lại dạy các em mà!”. Các em liền đồng thanh hỏi tôi điều đó có thật không và còn bắt tôi phải hứa với các em là năm sau tôi phải trở lại để giảng dạy cho các em.

Trống đánh ba hồi báo tiết học mới, tôi rời khỏi lớp với những bước chân trĩu nặng và trái tim đau nhói. Đi hết dãy hành lang mà tôi vẫn nghe tiếng khóc nức nở của các em lớp 4/1 thân yêu. Cô Hằng dạy Tin bước vào lớp cũng đã xúc động bật khóc trước tình cảm nồng nàn của các em học sinh đối với cô giáo chủ nhiệm.

Hôm đó, đến tiết học cuối các em vẫn còn khóc thút thít, khóe mắt đỏ hoe. Đó là những tình cảm chân thật mà các em học sinh dành một người mà các em coi như người mẹ thứ hai của mình. Tôi sẽ không bao giờ quên những giọt nước mắt đó, chúng đã chảy ngược vào trong trái tim tôi như những suối nguồn ký ức không bao giờ cạn!

Tôi về trường mới dạy hôm trước, hôm sau các em đã kéo đến nhà tôi chơi và hỏi tôi đủ điều về ngôi trường mới. Rồi cứ cuối tuần, các em lại ghé đến nhà tôi trò chuyện, vui chơi, cười đùa, y như lúc tôi vẫn dạy và làm chủ nhiệm của các em. Các em thật hồn nhiên, trong sáng và đầy tình cảm. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), các em lại đến nhà tôi và mang theo một bức thư được ghi chép nắn nót trên giấy ô-li. Tôi mở ra đọc.

“Tập thể lớp 4/1 chúng em xin chúc cô mạnh khỏe và tràn đầy niềm vui và có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Chúc cô mạnh khỏe. Xin cô dạy chúng em vào lớp 5. Người gửi: Lớp 4/1”.

Các em vẫn giữ nguyên tình cảm dành cho tôi như ngày nào!

Đến hôm nay, tôi vẫn trân trọng những tình cảm của các em học sinh lớp 4/1 ở ngôi trường cũ như một kỷ niệm không bao giờ quên! Tôi không biết khi nào có thể thực hiện được lời hứa với các em. Rằng tôi sẽ trở lại dạy các em như một năm về trước. Cứ nghĩ đến điều này khiến lòng tôi đau nhói!”.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ