Phải đảm bảo quyền lợi cho giáo viên

GD&TĐ - Trước thông tin tạm dừng chấm dứt hợp đồng để tìm giải pháp tốt nhất cho hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk được lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk công bố chiều qua (11/3), nỗi lo của hàng trăm giáo viên nằm trong diện dôi dư ở đây tạm lắng xuống. Nhưng dư âm của câu chuyện bị chấm dứt hợp đồng thì vẫn còn đó, nguy cơ phải rời bục giảng của hơn 500 giáo viên vẫn là việc có thể diễn ra.  

Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk tạm thời bớt lo lắng với quyết định từ UBND tỉnh Đắk Lắk
Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk tạm thời bớt lo lắng với quyết định từ UBND tỉnh Đắk Lắk

Tại sao UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lăk phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với hơn 500 giáo viên dôi dư dôi, gây bức xúc dư luận trong những ngày vừa qua?

Nguyên nhân xảy ra thì đã rõ, đó là do các đời lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk trước đây đã ký hợp đồng dư thừa hàng trăm giáo viên. Vậy ai phải chịu trách nhiệm cho việc này?

Tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ việc tuyển dụng giáo viên là phân quyền của các địa phương. Cụ thể, UBND cấp huyện có trách nhiệm bảo đảm đủ biên chế công chức cho Phòng Giáo dục và Đào tạo, biên chế sự nghiệp cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước, ban hành các chủ trương, biện pháp để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.

Như vậy, thì việc tuyển dụng hay chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên thuộc quyền của UBND cấp huyện. Nhưng lý do vì sao qua các đời lãnh đạo huyện lại ký hợp đồng làm việc với giáo viên một cách vô tội vạ như vậy? Có phải tư duy nhiệm kỳ? Hay việc ký hợp đồng lao động đối với giáo viên có biểu hiện tiêu cực, cố ý làm trái… dẫn đến dôi dư số lượng lớn như vậy? Đây là việc rất cần cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân để có hướng xử lý thỏa đáng.

Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, bên cạnh việc tạm thời chưa chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên như đã công bố, để hơn 500 giáo viên tiếp tục an tâm công tác dư luận đang chờ đợi từ phía UBND tỉnh Đăk Lăk sớm có giải pháp cụ thể, theo hướng bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên tại địa phương cho phù hợp, có thể luân chuyển giáo viên sang các địa phương khác công tác.

Trong trường hợp không thể bố trí công việc dạy học cho số hợp đồng dôi dư  thì địa phương cần có chính sách hỗ trợ như ưu tiên bố trí công việc khác ở các cơ quan nhà nước, hoặc hỗ trợ một khoản kinh phí để tạo điều kiện cho giáo viên tìm công việc mới sau khi kết thúc hợp đồng lao động.

Có như vậy, quyền lợi của những người giáo viên mới được đảm bảo, không gây ra sự xáo trộn cũng như phản ứng của các giáo viên khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Mặt khác, các cấp lãnh đạo địa phương cần xem xét lại quy định giao thẩm quyền trong việc tuyển dụng giáo viên của UBND cấp huyện hiện nay, tránh để xảy ra tình trạng lạm quyền, cố ý làm trái để gây ra hậy quả nghiêm trọng như sự việc nêu trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ