Rộn ràng nhịp chiêng dưới mái trường

GD&TĐ - Dù không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” (năm 2005), song, những năm gần đây, thanh thiếu niên DTTS tỏ ra không mấy “mặn mà” với văn hóa cồng chiêng - nói riêng, bản sắc văn hóa của dân tộc mình - nói chung. 

Rộn ràng nhịp chiêng dưới mái trường

Đây là thực trạng đáng buồn. Từ những băn khoăn, trăn trở và lòng tâm huyết với văn hóa cồng chiêng, năm 2005, Ban Giám hiệu Trường DTNT huyện Di Linh đã quyết định thành lập lớp dạy đánh cồng, chiêng cho HS tại trường.

Lớp học đặc biệt

Huyện Di Linh được xem là quê hương của người Kơ Ho ở Lâm Đồng, bởi tộc người Kơ Ho chiếm tỷ lệ đông nhất trong các DTTS bản địa Lâm Đồng (khoảng 130.000 người); Người Kơ Ho sinh sống ở Di Linh chủ yếu thuộc nhóm Kơ Ho-Srê (làm ruộng).

Trong đời sống tinh thần của người Kơ Ho, cồng chiêng luôn hiện hữu trong mọi sắc thái vui, buồn, hạnh phúc qua từng tiếng chiêng, điệu cồng mỗi khi được tấu lên… Trước xu thế tuổi trẻ các dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa ngày càng “nhạt” dần với văn hóa truyền thống, sự ra đời và tồn tại lớp dạy đánh cồng chiêng cho học sinh (HS) Trường Dân tộc nội trú (DTNT) huyện Di Linh là hết sức đáng quý....

Ông K’Brôl, Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, ý tưởng ban đầu về mở các lớp học ngoại khóa nhằm đa dạng hình thức giáo dục giúp HS hứng thú trong học tập, rèn luyện. Việc tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng là ưu tiên chọn lựa của nhà trường; vì tâm sinh lý HS người DTTS thường thụ động; song, các em lại rất yêu thích hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu.

Từ lớp dạy đánh cồng chiêng sẽ “kích thích” tinh thần nỗ lực học tập, rèn luyện của HS! Đây còn là “bí kíp” góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Trường DTNT huyện Di Linh trong nhiều năm qua.

Gọi là “Lớp học đặc biệt” bởi nhiều lẽ: Hiếm trường học mở lớp dạy loại hình này, giáo viên đứng lớp không có bằng cấp sư phạm, không quy định tuổi tác “không tuổi”, không có giáo trình bài bản…; HS không phân biệt độ tuổi, không học cùng khối lớp (như các lớp học chính khóa trong trường) miễn là có năng khiếu, yêu thích và mê chiêng…

Với những “đặc thù” như vậy, những ngày đầu mở “lớp học đặc biệt” này đã gặp rất nhiều khó khăn: Ai sẽ làm giáo viên? Nhạc cụ (cồng, chiêng) lấy ở đâu để HS thực hành, cơ chế dạy và học như thế nào?

Vì quá tâm huyết với lớp học, các thầy cô giáo là người DTTS có uy tín được BGH nhà trường “tung” về khắp các buôn, làng của người Kơ Ho để “tầm sư” mời về giảng dạy. Đó là các già làng, những nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm sống và am hiểu kỹ thuật đánh cồng chiêng; đồng thời phải là những người giàu tâm huyết trong việc truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng…

Mọi khó khăn cuối cùng cũng được thu xếp. Mỗi tuần hai buổi, các “thầy giáo không chuyên” đều đặn đến lớp và “môn đệ” của họ là những cô, cậu HS từ lớp 6 - 9 của trường.

Các em được các già làng cần mẫn chỉ dạy những kiến thức, kỹ năng hết sức bài bản từ khâu đầu tiên như: Cách đeo chiêng như thế nào cho đúng; cách kê tay vào lòng chiêng, tiếp xúc giữa bàn tay với mặt chiêng làm sao để tạo ra âm thanh trầm, bổng theo từng bài chiêng, từng điệu chiêng... đến kỹ thuật cao hơn là tấu các bài chiêng thường được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống của người Kơ Ho như: Đón khách, Mừng lúa mới, Mừng chiến thắng…

Trầm bổng nhịp chiêng học trò

Thầy giáo - già làng K’Bon (70 tuổi) cho biết: “Học đánh chiêng khó lắm, nhất là HS, muốn đánh được các cháu phải tìm hiểu và “thấm” từng điệu chiêng, nghĩa của từng bài. Ban đầu, các già chỉ dạy cho các cháu những bài chiêng truyền thống cơ bản sử dụng trong lễ hội…”.

Thầy giáo - già làng K’Brel (60 tuổi) chia sẻ: “Điều mà chúng tôi rất tâm đắc là mai này, trong số HS được học đánh cồng chiêng tại trường này sẽ về lại buôn làng “thổi” lên ngọn lửa đam mê, tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình…”.

Những năm đầu tiên, các “thầy giáo” chủ yếu truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng cho HS nam; đến nay, các già làng cũng đã dạy các điệu múa truyền thống của người Kơ Ho cho HS nữ.

Nhóm chiêng của Trường DTNT Di Linh có 26 em tham gia (6 nam và 20 nữ). Các già làng vừa dạy đánh chiêng cho HS nam vừa dạy các bài múa cho HS nữ, để khi biểu diễn có sự kết hợp giữa giai điệu cồng chiêng và múa hát quyện hòa vào nhau sống động! Các bài múa gồm múa tập thể và múa đôi di chuyển theo nhịp chiêng thường thấy trong các hoạt động biểu diễn cồng chiêng của người TDTS Tây Nguyên trước nay.

Nữ “nghệ nhân nhí” Ka Hiền (lớp 8A) tâm sự “tham gia đội múa trong nhóm chiêng của trường em thích lắm. Em được thầy khen múa giỏi…”. Còn hai “Nghệ nhân nhí” nam: K’Minh và K’Mrom (cùng học lớp 9A) khoe: “Chúng em tham gia Nhóm cồng chiêng của trường từ hồi lớp 6 tới giờ; lúc đầu thấy khó lắm, nhưng cứ học rồi mê nên giờ đã tấu nhuần nhuyễn các bài chiêng truyền thống của dân tộc mình…”.

Cứ vậy, hơn 10 năm trôi qua, nhiều thế hệ HS người DTTS trên cao nguyên Di Linh giàu truyền thống văn hóa ngoài được học tập kiến thức trong chương trình đào tạo chính khóa đã lần lượt đến với điệu cồng, lời chiêng của các “thầy giáo không tuổi” bằng niềm đam mê và đã trở thành những “nghệ nhân nhí” tài hoa, tiếp tục gióng lên những giai điệu cồng chiêng chênh chao, trầm bổng giữa núi rừng Nam Tây Nguyên hùng vĩ .

Thầy K’Brôl cho biết thêm, hàng tháng Trường DTNT Di Linh thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ giữa các lớp để tuyển chọn những HS có năng khiếu nhất tham dự các sự kiện văn hóa tại địa phương.

Song, điều quan trọng hơn là duy trì lớp học cồng chiêng của trường nhằm thúc đẩy tinh thần học tập trong HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường; đồng thời giáo dục cho HS ý thức trong việc tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.